Theo Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng, Tuyên bố chung Việt Nam - Hàn Quốc về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện là một dấu mốc lớn trong quan hệ song phương. Mỗi một lần nâng cấp quan hệ là một lần quan hệ song phương được đưa lên một tầm cao mới, theo đó quyền lợi quốc gia dân tộc của mỗi nước được đảm bảo và lợi ích của địa phương, doanh nghiệp và người dân hai nước đều được đáp ứng.
Theo Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng, việc nâng cấp quan hệ song phương không chỉ phản ánh và ghi nhận những thành tựu to lớn trong quan hệ hai nước 30 năm qua, mà còn thể hiện ý chí chính trị và tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo cấp cao hai nước, tạo khuôn khổ, và đặt ra định hướng cho quan hệ tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Việc nâng cấp quan hệ Việt - Hàn lên tầm cao mới cũng góp phần tiếp tục củng cố lòng tin và làm sâu sắc thêm sự đan xen lợi ích giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc. Đại sứ khẳng định, với sự kiện này, quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực, thứ nhất là chính trị, ngoại giao và an ninh, quốc phòng; thứ hai là kinh tế (thương mại và đầu tư) trên cả những lĩnh vực mới và lĩnh vực truyền thống; thứ ba là trao đổi văn hoá xã hội và giao lưu nhân dân, nhất là lao động, du học sinh và du lịch.
Cũng theo Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng, việc nâng cấp quan hệ còn mở nhiều cơ hội để Việt Nam và Hàn Quốc phát huy hợp tác trong các diễn đàn đa phương, nhất là ASEAN và Liên hợp quốc, từ đó tiếp tục nâng cao quan hệ song phương lên tầm khu vực và quốc tế.
Trong khi đó, Giáo sư Lee Han-woo, tiến sĩ khoa học chính trị thuộc Đại học Sogang cho biết bản thân ông rất vui mừng vì lần này lãnh đạo hai nước đã quyết định nâng cấp quan hệ hai nước lên “Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”. Ông là người tham gia viết cuốn sách “30 năm hợp tác kinh tế và xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc” do Viện nghiên cứu chính sách kinh tế đối ngoại Hàn Quốc (KIEP) xuất bản mới đây để chào mừng kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc (1992-2022).
Theo Giáo sư Lee, lĩnh vực giao lưu văn hóa cũng cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Trong đó, việc giao lưu giữa thế hệ trẻ hai nước là vô cùng quan trọng. Ông đánh giá cao việc tổ chức hội thảo giao lưu thanh niên giữa hai nước diễn ra tại Hà Nội hồi tuần trước, nói rằng cần thúc đẩy thường xuyên những diễn đàn như vậy. Ngoài ra, hai bên cần tăng cường các biện pháp giúp định hướng thông tin trên internet trong bối cảnh xuất hiện nhiều thông tin sai sự thật của những kẻ trục lợi, có thể gây ra dư luận không tốt. Giáo sư cho biết mới đây một nhóm các nhà ngoại giao tại Hàn Quốc đã mở một trang mạng tên VANK giới thiệu về Hàn Quốc bằng tiếng Việt, đồng thời gợi ý giới trẻ Việt Nam nên có một trang tương tự về Việt Nam bằng tiếng Hàn Quốc để hai bên có thông tin chính thống về nhau.
Giáo sư Lee cũng nhấn mạnh vai trò của "tín nhiệm" đối với tương lai quan hệ song phương, vì có tín nhiệm mới có thể cùng nhau xây dựng tương lai mới để cùng phát triển. Theo ông Lee, ở Việt Nam, văn hóa Hàn Quốc đã rất phổ biến, nhưng ngược lại văn hóa Việt Nam chưa được biết đến nhiều tại Hàn Quốc và vì thế cần có cách thức để quảng bá văn hóa Việt Nam đến với người Hàn Quốc nhiều hơn nữa. Giáo sư bày tỏ hy vọng sẽ sớm có Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc.
Về lĩnh vực hợp tác kinh tế song phương, Giáo sư Park Bun-soon- chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu châu Á- Đại học Hàn Quốc lưu ý hai bên cần xem xét một số vấn đề còn tồn đọng. Thứ nhất đó là tình trạng thâm hụt thương mại giữa hai nước khi Hàn Quốc đang đạt thặng dư thương mại lớn với Việt Nam. Ông đề xuất khi nâng cấp quan hệ song phương thì việc giải quyết vấn đề này cần phải được xem xét một cách hệ thống hơn. Cụ thể, có thể tăng nhập khẩu các mặt hàng nông, thủy sản; bên cạnh đó, các doanh nghiệp của Hàn Quốc tại Việt Nam cần xem xét tăng cường nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm của mình.
Thứ hai, các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư rất nhiều nhưng phía Việt Nam không chưa được chuyển giao công nghệ và kỹ thuật tiên tiến như kỳ vọng. Ông Park cho rằng Nhà nước cần có vai trò điều tiết khi mà các doanh nghiệp không dễ dàng chuyển giao công nghệ bởi đây là chìa khóa của cạnh tranh. Theo ông, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã rất quan tâm đến hợp tác, nghiên cứu chuyển giao công nghệ thông qua thành lập các trung tâm nghiên cứu ở Việt Nam. Vì thế, phía Việt Nam cũng cần phải có yêu cầu rõ ràng hơn, đảm bảo khả năng “hấp thụ" hiệu quả các công nghệ được chuyển giao. Để làm được điều này, Việt Nam cần quan tâm đến đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D), đầu tư cho các viện nghiên cứu, hướng viện trợ ODA vào lĩnh vực này.
Thứ ba, Hàn Quốc là một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT). Phía Việt Nam cũng có năng lực trong lĩnh vực này nhưng lại chưa được Hàn Quốc biết đến. Theo tài liệu thống kê về các doanh nghiệp của ASEAN khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, trong danh sách 50 doanh nghiệp kỳ lân (unicorn) cũng có một số doanh nghiệp Việt Nam. Số lượng các doanh nghiệp kỳ lân của Việt Nam cũng nhiều hơn so với Malaysia và Thái Lan. Như vậy, trong lĩnh vực CNTT, tiềm năng hợp tác còn rất lớn. Sau khi nâng cấp quan hệ, hai nước cần có cách thức trao đổi thông tin tốt hơn trong lĩnh vực này.