Đại hội X Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:

Vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước

Chia sẻ quan điểm tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X được tổ chức ngày 17/10 tại Hà Nội, các đại biểu nhấn mạnh một trong những yếu tố xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân là phải phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X. Ảnh: TTXVN

Liên kết, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài 

Đại sứ Nguyễn Phú Bình - Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, những năm qua, Hội đã triển khai thực hiện nhiều Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam về công tác với người Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt, Hội đã phối hợp với các tổ chức trong cộng đồng người Việt tại các nước tổ chức Lễ Giỗ tổ Hùng Vương tại 10 địa bàn ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ trong các năm 2018-2019 nhằm làm lan tỏa các giá trị truyền thống của dân tộc trong cộng đồng người Việt trên toàn thế giới và giúp đồng bào ta ở nước ngoài gắn bó với quê hương, đất nước. Sau thời gian tạm thời phải ngừng do dịch COVID-19, hoạt động này được nối lại, có nơi đã tổ chức 3 - 4 lần.

Nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho đồng bào ta ở nước ngoài, tại các diễn đàn trong và ngoài MTTQ, lãnh đạo Hội luôn tích cực tham gia xây dựng các văn bản pháp luật có nội dung liên quan đến đồng bào ta ở nước ngoài. Đặc biệt, lãnh đạo Hội đã kiên trì kiến nghị vận dụng Luật Quốc tịch hiện hành theo hướng kiến nghị sửa đổi Luật để cho phép những người đã thôi quốc tịch Việt Nam được trở lại quốc tịch Việt Nam trong bối cảnh nhiều nước châu Âu sửa đổi luật, cho phép đa quốc tịch. Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài đã ký Thỏa thuận với Liên đoàn Luật sư Việt Nam thành lập Trung tâm tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho đồng bào ta ở nước ngoài trong các vấn đề xuất nhập cảnh, cư trú, hôn nhân, thừa kế.

Để phát huy vai trò của Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài đối với công tác Mặt trận nhiệm kỳ tới, Đại sứ Nguyễn Phú Bình cho biết sẽ tăng cường phối hợp các cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao ở nước ngoài, các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội, ở Trung ương và địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ chung đối với đồng bào ta ở nước ngoài.

Đồng thời, tiếp tục kiên trì kiến nghị xây dựng lộ trình thực hiện quyền bầu cử và ứng cử cho công dân Việt Nam ở nước ngoài; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Luật sư Việt Nam triển khai thỏa thuận lập Trung tâm tư vấn hỗ trợ pháp lý cho đồng bào ta ở nước ngoài trong các vấn đề xuất nhập cảnh, cư trú, hôn nhân, thừa kế, đầu tư, hoạt động thương mại.

Bên cạnh đó, tiếp tục biên soạn giáo trình dạy tiếng Việt song ngữ, mở rộng các lớp dạy tiếng Việt online sang các địa bàn có điều kiện, thúc đẩy cuộc vận động dạy và học tiếng Việt thông qua bài hát Việt và dân ca “Tôi yêu tiếng nước tôi”, dạy và học tiếng Việt qua truyện cổ tích.

Giữ vững kỷ cương và nêu cao tinh thần đoàn kết 

Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Ủy viên thường trực Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Trong nhiệm kỳ vừa qua, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã triển khai 5 chương trình hành động, đề ra những nhiệm vụ trọng tâm và mục đích, cách thức hoạt động cụ thể trên tinh thần nhất quán “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển”. 

Là một tổ chức tôn giáo, nhận thức được vai trò, trách nhiệm và tầm quan trọng của mình trong cả 5 chương trình đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã luôn cố gắng, nỗ lực để hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử của mình. Trong 5 chương trình hành động của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đặc biệt chú trọng và quan tâm hơn cả là chương trình thứ nhất: “Tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân; củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Để triển khai nội dung Chương trình này, dựa vào những văn bản hướng dẫn cụ thể của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Giáo hội đã xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm là cần phải mở rộng và đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, đoàn kết Tăng Ni, Phật tử và các tầng lớp nhân dân; tuyên truyền, vận động để Tăng Ni, Phật tử cùng các tầng lớp nhân dân ở trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài biết và ủng hộ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo đồng thuận xã hội để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước

Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp đã chung tay cùng Nhà nước và nhân dân hưởng ứng mọi phong trào phát huy vai trò của tôn giáo trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy truyền thống tốt đẹp, quý báu đó để triển khai vận động Tăng Ni, Phật tử thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các chương trình hành động mà Ủy ban MTTQ Việt Nam triển khai.

Tăng Ni, Phật tử các chùa, tự viện đều thực hiện công tác từ thiện thường xuyên, liên tục, kịp thời. Hệ thống trên 165 cơ sở Tuệ Tĩnh đường, hơn 600 phòng chẩn trị y học dân tộc, trên 10 phòng khám Tây y, Đông - Tây y kết hợp đang hoạt động có hiệu quả, khám và phát thuốc miễn phí cho hàng chục nghìn lượt bệnh nhân với kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, trước những hậu quả của cơn bão Yagi và tình trạng lũ quét sạt lở tại nhiều tỉnh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam ủng hộ về vật chất, tinh thần cho đồng bào các địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai lên tới hàng trăm tỉ đồng. Đồng thời tích cực vận động Tăng Ni, Phật tử tham gia cuộc vận động vì người nghèo, Chương trình xóa nhà tranh vách lá cho đồng bào khó khăn...

Để đạt được các mục tiêu đề ra và nâng cao tầm vóc của Phật giáo nước nhà trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ và phát triển Tổ quốc, trong thời gian tới, Giáo hội không ngừng phát huy trí tuệ tập thể, giữ vững kỷ cương, giới luật và nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp; xây dựng, phát triển Giáo hội vững mạnh trong hội nhập quốc tế, kiên định lý tưởng: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội.

Bên cạnh đó, phát huy truyền thống “hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc”; khuyến tấn Tăng Ni dấn thân phụng sự đạo pháp, phục vụ dân tộc; chú trọng đào tạo và ứng dụng kỹ thuật số, đẩy mạnh hoằng pháp qua truyền thông bằng cách áp dụng các tiến bộ khoa học nhằm giúp mọi người hiểu chính tín về đạo Phật, biết ứng dụng triết lý Phật giáo vào cuộc sống để mang lại an lạc và hạnh phúc cho nhân dân

Giáo hội luôn sát sao, bám sát và triển khai kịp thời các chương trình, chỉ đạo hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp gắn với mục tiêu và hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; luôn phát huy vai trò kết nối, xây dựng khối đại đoàn kết các đồng bào dân tộc, nhất là miền núi, vùng biên cương và hải đảo, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài.

Đồng thời, tích cực trong công cuộc xây dựng Nhà nước, chính quyền trong sạch, vững mạnh, chống lãng phí và thực hành tiết kiệm; phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân; củng cố, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thể hiện quan điểm nhất quán tư tưởng của Đảng, Nhà nước, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Đỗ Bình (TTXVN)
Đại hội X Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Tập hợp sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Đại hội X Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Tập hợp sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Sáng 17/10, Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN