Thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho rằng, các quy định về việc áp dụng Thuế Tối thiểu toàn cầu (TTTC) gọi tắt là quy định GloBE được OECD đề xuất và bắt đầu áp dụng từ kỳ tính thuế TNDN năm 2024. Hiện nhiều nước đã nội luật hoá các quy định này để áp dụng từ kỳ tính thuế TNDN năm 2024.
“Nếu Việt Nam không nội luật hoá các quy định về thuế TTTC, thì các nước xuất khẩu vốn đầu tư sẽ được thu khoản thuế TNDN bổ sung (cho đủ mức 15%) đối với các công ty đa quốc gia có dự án đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam đang được hưởng mức thuế suất thực tế dưới 15%. Vì vậy, để bảo đảm giữ quyền đánh thuế của Việt Nam, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) nhất trí cần ban hành văn bản pháp lý để tạo cơ sở cho các doanh nghiệp ĐTNN thuộc diện điều chỉnh của GloBE có thể kê khai nộp thuế TNDN bổ sung và yên tâm về môi trường pháp lý tại Việt Nam”, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Lê Quang Mạnh nói.
Trong bối cảnh Chính phủ chưa triển khai kế hoạch sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN để quy định vào Luật các nội dung liên quan đến thuế TTTC, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS nhất trí cần tạm thời ban hành Nghị quyết (thí điểm) của Quốc hội về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu của OECD trước khi tiến hành sửa Luật. Đồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ kế hoạch, thời gian sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN và dự kiến về thời gian hiệu lực thi hành để bảo đảm các nội dung về thuế phải được quy định một cách thống nhất trong Luật.
Thường trực Ủy ban TCNS cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về mục tiêu, quan điểm xây dựng Nghị quyết trong việc bảo đảm quyền đánh thuế của Việt Nam phù hợp với thông lệ và xu thế thuế quốc tế đang được các nước triển khai và đáp ứng yêu cầu của một số tập đoàn ĐTNN lớn đang hoạt động và muốn được kê khai nộp thuế TTTC bổ sung tại Việt Nam, áp dụng từ kỳ tính thuế TNDN năm 2024.
Đối với quan điểm đề nghị tiếp tục duy trì các chính sách ưu đãi thuế TNDN hiện hành, Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, việc ban hành Nghị quyết mới chỉ đáp ứng được yêu cầu đặt ra trước mắt, mang tính “tạm thời” (để có cơ chế áp dụng ngay với kỳ tính thuế 2024), khi Luật Thuế TNDN vẫn chưa được sửa đổi một cách tổng thể. Hệ thống ưu đãi miễn, giảm thuế TNDN để thu hút ĐTNN của Việt Nam sẽ không còn phát huy tác dụng và phù hợp với bối cảnh thực hiện thuế TTTC. Vì vậy, khi tiến hành sửa đổi Luật Thuế TNDN, đồng thời với việc luật hoá các quy định về thuế TTTC quy định trong Nghị quyết này thì hệ thống chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế TNDN hiện hành cần phải được đánh giá và hoàn thiện lại một cách tổng thể, phù hợp với bối cảnh và tình hình mới, áp dụng thống nhất với các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài, các nhà đầu tư hiện tại cũng như các nhà đầu tư trong tương lai.
Đưa ra các giải pháp để thực hiện Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Lê Quang Mạnh cho biết, Tờ trình của Chính phủ đã đề xuất một số giải pháp để thực hiện dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, còn thiếu các nội dung cần thiết về công tác thu thập, tổng hợp các thông tin, số liệu hàng năm liên quan đến doanh thu, lợi nhuận… của tổ chức thành viên của Tập đoàn đa quốc gia có Công ty mẹ tối cao đặt tại nước ngoài, tổ chức thành viên tại nước ngoài của các Tập đoàn đa quốc gia nội địa, làm cơ sở xác định đối tượng thuộc phạm vi áp dụng thuế TTTC hàng năm.
“Đề nghị Cơ quan soạn thảo báo cáo rõ thêm về việc chuẩn bị và triển khai các nội dung này để bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện Nghị quyết. Ngoài ra, đề nghị cơ quan soạn thảo khẩn trương tham gia các Thoả thuận đa phương về trao đổi thông tin tự động của OECD để có thể tiếp cận và khai thác thông tin về các tập đoàn thuộc đối tượng của thuế TTTC”, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Lê Quang Mạnh phát biểu.
Dự thảo Nghị quyết quy định việc thu thuế TTTC của Việt Nam và cũng liên quan trực tiếp đến nội dung phân chia quyền đánh thuế quốc tế đối với các tập đoàn đa quốc gia thuộc diện điều chỉnh của nhiều nước có liên quan. Vì vậy, khi thực hiện có thể dẫn đến khả năng vướng mắc, khiếu nại về quyền thu thuế, về cách tính toán số thuế phải nộp,… của doanh nghiệp là thành viên tập đoàn đa quốc gia. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo báo cáo rõ hơn về các giải pháp để bảo đảm việc triển khai thực hiện các quy định của Nghị quyết được thuận lợi, tránh phát sinh các mâu thuẫn, tranh chấp quốc tế như Cơ chế trao đổi thông tin hoặc phối hợp giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện với các quốc gia hoặc doanh nghiệp có liên quan…
Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, hồ sơ dự án Nghị quyết cơ bản đã bảo đảm điều kiện để trình Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2023 và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023 để thông qua theo quy trình thủ tục rút gọn trong một kỳ họp. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến được nêu trong báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban TCNS để hoàn thiện hồ sơ, dự thảo Nghị quyết, trình Quốc hội theo quy định.