Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, thời gian qua đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) trong cả nước đã nỗ lực cố gắng trong việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách tại vùng đồng bào DTTS&MN và các chính sách an sinh xã hội nên đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú; thu nhập được nâng lên. Số hộ nghèo giảm nhanh; giáo dục, y tế được quan tâm; văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp được bảo tồn và phát huy.
Tình hình an ninh trật tự được giữ vững; khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường. Tốc độ tăng trưởng kinh tế các tỉnh vùng DTTS&MN khá cao, trong đó các tỉnh vùng Tây Bắc tăng bình quân 8,0%/năm, Tây Nguyên tăng bình quân 7,5%/năm, Tây Nam Bộ tăng bình quân 7,0%/năm. Đến nay, 98,4% xã vùng DTTS&MN có đường ô tô đến trung tâm; 96,7% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% xã có trạm y tế với 83,5% xã có trạm y tế đạt chuẩn, 69,1% số trạm y tế có bác sỹ, y tá khám chữa bệnh cho người dân; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân; nhiều tỉnh có tỷ lệ giảm nghèo bình quân hằng năm trên 3%, vượt mục tiêu đề ra tại Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc (CLCTDT) đến năm 2030, định hướng đến năm 2045...
Năm 2025, Ủy ban Dân tộc đề ra nhiệm vụ trọng tâm, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai các nội dung, nhiệm vụ được giao về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Quyết tâm triển khai, hoàn thành sắp xếp hệ thống tổ chức bộ máy công tác dân tộc tại Trung ương và địa phương để đi vào hoạt động ngay từ đầu năm 2025.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, quy chế để phù hợp với với bộ máy tổ chức mới; đồng thời tham mưu tổng kết các chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2025, tham mưu ban hành sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chương trình, chính sách dân tộc trong giai đoạn 2026 - 2030 để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của chính sách giai đoạn 2021 - 2030. Tập trung xây dựng và hoàn thành các Đề án, chính sách dân tộc trong Chương trình công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao năm 2025 theo đúng thời hạn được giao, đảm bảo chất lượng.
Tạo chuyển biến cơ bản về tiến độ, chất lượng việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), trọng tâm là chương trình MTQG DTTS&MN và chương trình giảm nghèo bền vững. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra giám sát để xử lý tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thực hiện các chương trình; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 và đề xuất thực hiện chương trình MTQG DTTS&MN và chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2026 - 2030...
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Công tác dân tộc và chính sách dân tộc luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm thông qua chương trình mục tiêu quốc gia đã đi vào đời sống đồng bào DTTS&MN. Ở vùng đồng bào DTTS&MN đã xuất hiện nhiều gương sáng, phát huy những bản chất tốt đẹp, phong phú... Nếu như không có những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, không có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền thì không có được kết quả này, đây là điều đáng mừng.
Kinh tế tăng trưởng, đời sống của đồng bào DTTS&MN đã được cải thiện, qua đó phản ánh chính sách của Đảng và Nhà nước đã đi vào cuộc sống; ở vùng đồng bào DTTSMN đã xuất hiện nhiều mô hình tích cực, nhất là lĩnh vực du lịch, đời sống của đồng bào được cải thiện. Công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS&MN có chuyển biến tích cực, tỷ lệ giảm nghèo giảm 3,7%; các giá trị văn hóa truyền thống được phát huy; hệ thống chính trị ở cơ sở ổn định.
Tuy vậy, đời sống người dân vùng đồng bào DTTS&MN vẫn còn nhiều điều cần quan tâm: Cơ sở vật chất còn khó khăn, nhân lực mặt bằng chung về trình độ vẫn còn hạn chế; kinh tế - xã hội phát triển chậm; dịch vụ xã hội còn kém; tỷ lệ hộ nghèo còn cao… Chính điều nay đặt ra cho chúng ta về chính sách dân tộc, giảm nghèo cần được quan tâm hơn nữa. Trong năm 2024, Ủy ban Dân tộc vẫn còn 7/14 nhiệm vụ chưa hoàn thành, “Tôi đề nghị phải hoàn thành những nhiệm vụ này trong quý I/2025. Một số văn bản hướng dẫn cần triển khai kịp thời để tháo gỡ những vướng mắc ở cơ sở”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh: Năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng, Ủy ban Dân tộc cần xác định lại nhiệm vụ, quyết tâm, trách nhiệm chính trị với đồng bào DTTS&MN. Bám sát chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội với những chủ trương lớn. Năm 2025 phải hoàn thành chương trình xóa nhà tạm cho người nghèo, nhất là vùng đồng bào DTTS&MN. Tổng kết giai đoạn 1 của chương trình mục tiêu quốc gia để bước vào giai đoạn 2 (nhiệm kỳ 2025 - 2030).
Thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương, Ủy ban Dân tộc là cơ quan có biến động, sáp nhập một phần của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và phần Tôn gáo của Bộ Nội vụ. Chính vì vậy, Ủy ban Dân tộc cần nghiên cứu tổ chức bộ máy mới tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hơn; bộ máy mới sẵn sàng đón nhiệm vụ mới. Trước tháng 2/2025 khi có mô hình mới có thể triển khai ngay để thực hiện quyết tâm chương trình miền núi và chương trình giảm nghèo. Hai chương trình này có những điểm song trùng, khi thực hiện không ngừng nghỉ góp phần nâng cao đời sống người dân đồng bào DTTS&MN.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, sau khi Bộ Dân tộc và Tôn giáo (mới) ra mắt trong quý I/2025 các chương trình, mục tiêu phải được triển khai ngay. “Làm tốt việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công cho đồng bào, nhưng phải đảm bảo giải ngân cho đúng, cho đủ để không “có lỗi” với đồng bào. Qua thực tiễn chỉ đạo tôi nhận thấy có nhiều sáng kiến của các địa phương cần có sự tập hợp để các tỉnh học tập lẫn nhau, nhân rộng những mô hình, cách làm hay cần phổ biến, nhân lên những điển hình tiên tiến để chia sẻ, cải thiện tình hình của đồng bào DTTS&MN”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chỉ đạo.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấm mạnh: “Nhiệm vụ năm 2025 rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương với một quyết tâm cao với sự đồng lòng, đoàn kết tôi tin tưởng các đồng chí sẽ thực hiện thành công”.
Để đạt được mục tiêu năm 2025 đề ra, Ủy ban Dân tộc đã đề ra các giải pháp chỉ đạo chủ yếu: Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Ủy ban và lãnh đạo các vụ, đơn vị của UBDT với phương châm sâu sát, quyết liệt. Đẩy mạnh phân cấp, phân công nhiệm vụ gắn với trách nhiệm và quyền hạn cụ thể. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; bố trí, sắp xếp công chức, viên chức, người lao động phù hợp với chuyên môn, năng lực, trình độ tương ứng với vị trí việc làm nhằm phát huy sở trường, năng lực của mỗi công chức, viên chức, người lao động.
Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; tăng cường công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ; phát động và tham gia triển khai các phong trào thi đua nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Đổi mới phương pháp trong nắm tình hình công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của địa phương
Tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc xây dựng văn bản, chính sách, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ về nguồn lực và kỹ thuật đối với triển khai, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc tại vùng DTTS&MN. Nghiêm túc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành...