Đảm bảo an toàn trên tuyến biển và đất liền
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết, hình thái thời tiết hiện nay không chỉ áp thấp nhiệt đới mà còn là chuỗi những thiên tai rất nguy hiểm, có nguy cơ hình thành thêm bão và đợt mưa lũ rất lớn ở các tỉnh, thành phố khu vực Trung Bộ. Do vậy, tuyến biển các tàu còn hoạt động trong khu vực nguy hiểm đề nghị di chuyển, tránh trú vào nơi an toàn, đặc biệt là một số tàu tại khu vực biển của tỉnh Quảng Nam.
“Hiện tàu vận tải rất dày đặc ở khu vực ven biển, các địa phương kiểm tra ngay việc tàu thuyền vào cảng để neo đậu an toàn gắn với đảm bảo an toàn dịch bệnh, tránh tình trạng chủ quan do áp thấp nhiệt đới hoặc bão nhỏ mà tàu thuyền không chịu neo đậu vào nơi an toàn”, Phó Trưởng ban Trần Quang Hoài nhấn mạnh.
Phó Trưởng ban Trần Quang Hoài yêu cầu, lực lượng Bộ đội Biên phòng bắn pháo hiệu cảnh báo cho các phương tiện hoạt động trên biển biết để chủ động di chuyển, tránh trú. Các địa phương chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới căn cứ vào điều kiện cụ thể để chủ động cấm biển.
Các địa phương cần tổ chức lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai kiểm tra, đôn đốc tuyệt đối không để dân trên các lồng bè, chòi canh, bãi ngang; kiểm tra khu vực có nguy cơ sạt lở; vị trí gây tắc nghẽn dòng chảy; tổ chức xét nghiệm, xác định trường hợp F0, F1 đảm bảo an toàn các điều kiện cách ly (các điều kiện 5K), cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu, đồng thời khẩn trương thu hoạch lúa, rau màu. Các địa phương gia cố hệ thống lưới điện và sẵn sàng phương án khắc phục sự cố; bảo vệ công trình đê điều, hồ chứa; có phương án xả lũ an toàn, kết hợp tích nước các hồ còn thiếu nước; rà soát, kiên quyết tạm dừng các công trường đang thi công, nhất là vùng ven biển, trên cao, ven sông suối trong thời gian ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ.
Cùng với đó, các địa phương duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn, nhất là bố trí phương tiện, trang thiết bị tại các vị trí xung yếu để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có yêu cầu.
Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão
Tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, hồi 13 giờ ngày 6/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 330 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 - 50 km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 80km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Từ 13 giờ ngày 6/10 đến 13 giờ ngày 7/10, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 - 20 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 7/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên vùng biển phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50 - 60 km/giờ), giật cấp 9. Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão (cấp 8-9) khi vào gần bờ có khả năng di chuyển chậm lại.
Theo ông Mai Văn Khiêm, từ 6-8/10, mưa rất to tập trung từ Quảng Bình đến Phú Yên và Bắc Tây Nguyên, riêng ở khu vực Huế - Quảng Ngãi có nơi mưa đặc biệt lớn. Tổng lượng mưa từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum phổ biến 300 - 500mm/đợt, có nơi trên 600mm/đợt. Tổng lượng mưa từ Bình Định đến Phú Yên và Gia Lai phổ biến từ 100 - 300mm/đợt, có nơi trên 350mm/đợt.
Từ ngày 9 - 12/10, mưa lớn mở rộng ra các tỉnh Bắc Trung Bộ và Đồng Bằng Bắc Bộ.
Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai lên mức báo động 2, báo động 3 và trên báo động 3; thượng lưu các sông ở Hà Tĩnh, hạ lưu các sông chính ở Bình Định, Phú Yên lên mức báo động 1, báo động 2 và trên báo động 2.
Dự báo, khoảng 72 huyện và khu đô thị thuộc các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kom Tum, Gia Lai có nguy cơ ngập lụt.
Chủ động sơ tán dân và ứng phó
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, các khu dân cư ven biển, khu vực trũng thấp, cửa sông, ngoài bãi các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi đã sẵn sàng phương án sơ tán dân trong tình huống dịch COVID-19. Các địa phương dự kiến sơ tán 71.559 hộ/290.671 dân khu vực ven biển; rà soát các đối tượng trong diện F0, F1 để có phương án cách ly, sơ tán riêng cũng như có biện pháp y tế phù hợp để đảm bảo an toàn dịch bệnh (hiện có 7.690 ca F0/9 tỉnh, thành phố). Các khu vực cách ly đã có phương án sơ tán dân đảm bảo an toàn tại chỗ.
Tính đến 13 giờ ngày 6/10, cơ quan chức năng đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 61.468 phương tiện/278.639 lao động, trong đó có 235 tàu/ 1.929 lao động hoạt động trong khu vực giữa biển Đông và quần đảo Hoàng Sa.
Tính đến 12 giờ ngày 6/10, có 512 tàu thuyền vận tải đang trong khu vực quản lý của các Cảng vụ hàng hải từ Thanh Hóa đến Bình Định, trong đó có 205 tàu biển và 307 phương tiện thủy nội địa.
Thành phố Đà Nẵng tiến hành cấm biển lúc 14 giờ ngày 5/10, tỉnh Thừa Thiên-Huế cấm biển từ 14 giờ ngày 6/10.
Các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ; đôn đốc, kiểm tra, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ huy; kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền; bảo đảm an toàn công trình đang thi công; chuẩn bị sẵn sàng phương án di dân trong bối cảnh dịch COVID-19.
Các tỉnh, thành phố Nam Định, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận đã có Công điện chỉ đạo, ngoài ra một số địa phương đã có văn bản chỉ đạo ứng phó với bão, mưa lũ.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang, hiện tỉnh đã chuẩn bị các điều kiện để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới. Tỉnh đề nghị Trung ương lên các phương án để kiện toàn lực lượng phòng, chống thiên tai các cấp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Hiếu Nghĩa cho biết, tỉnh đã ban hành Công điện chỉ đạo việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới trong đó đã lên phương án sơ tán dân tại các vùng nguy hiểm đồng thời chuẩn bị các kế hoạch để tiêu úng lúa, hoa màu.