UNESCO phê duyệt việc vinh danh Danh nhân Lê Quý Đôn và Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, đêm 10/4 (giờ địa phương), tại Kỳ họp khoá 221 của Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đang diễn ra ở thủ đô Paris, các nước thành viên đã thông qua Quyết định khuyến nghị Đại hội đồng UNESCO, dự kiến sẽ họp tháng 11/2025, phê duyệt việc vinh danh và cùng kỷ niệm ngày sinh của một số danh nhân trên thế giới, trong đó có vinh danh và cùng Việt Nam kỷ niệm 300 năm ngày sinh danh nhân Lê Quý Đôn (1726-2026).

Theo Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, đây là một quyết định hết sức quan trọng, vì theo thông lệ, Đại hội đồng thường nhất trí với khuyến nghị của Hội đồng chấp hành.

Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn sinh ra tại làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam, nay là thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông được mệnh danh là "túi khôn của thời đại" - nhà bác học lớn nhất của Việt Nam ở thế kỷ XVIII. Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh, ham học, trí nhớ siêu phàm. Năm 5 tuổi đã đọc Kinh Thi, 12 tuổi đọc hết Bách Gia Chư Tử, 17 tuổi đỗ đầu kỳ thi Hương. Phan Huy Chú từng nhận xét: "Ông là người học vấn rộng khắp, đặt bút thành văn. Cốt cách thơ trong sáng. Lời văn hồn nhiên..., không cần suy nghĩ mà trôi chảy dồi dào như sông dài biển cả, không chỗ nào không đạt tới, thật là phong cách đại gia". Với tài trí thông minh và kiến thức uyên bác, ông đã để lại cho hậu thế khoảng 40 bộ sách bao quát hầu hết các tri thức đương thời như: lịch sử, địa lý, thi ca, nhiều tác phẩm khảo cứu, diễn nghĩa, chú giải, bàn giảng các kinh điển, cổ thư và nhiều tác phẩm thơ Nôm. Tên tuổi và tầm ảnh hưởng của ông không chỉ nổi tiếng khắp Việt Nam mà vượt ra cả tầm khu vực.

Cũng trong đêm 10/4, Bộ sưu tập tài liệu của nhạc sĩ Hoàng Vân (1930-2018) đã được UNESCO ghi danh là Di sản Tư liệu thế giới. Là một trong những nhạc sĩ có tên tuổi hàng đầu trong lịch sử âm nhạc Việt Nam đương đại, ông sở hữu bộ sưu tập bao gồm hơn 700 tác phẩm âm nhạc được sáng tác từ năm 1951 đến năm 2010. Nổi bật với chất liệu đa dạng, nhiều hình thức và thể loại âm nhạc, các tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Vân thể hiện mối quan hệ đặc biệt của ông với lịch sử văn hóa và xã hội của Việt Nam, đặc biệt là số phận của phụ nữ và các tầng lớp yếu thế.

Bộ sưu tập tài liệu của nhạc sĩ Hoàng Vân cung cấp thông tin có giá trị cho các học giả nghiên cứu về sự phát triển văn hóa và âm nhạc ở Việt Nam trong bối cảnh hậu thuộc địa, cũng như những hiểu biết sâu sắc về giao lưu văn hóa trong khối Xã hội chủ nghĩa. Bộ sưu tập cũng minh họa cho sự cộng sinh của các truyền thống âm nhạc châu Âu và châu Á, thể hiện tầm quan trọng của sự giao thoa giữa các dòng âm nhạc phương Đông và phương Tây. Theo Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh, phong phú về thể loại và hình thức âm nhạc cùng nội dung sâu sắc, Bộ sưu tập đã đáp ứng được nhiều tiêu chí quan trọng của UNESCO, đặc biệt là tiêu chí ý nghĩa lịch sử và giá trị toàn cầu.

Nguyễn Thu Hà (TTXVN)
Việt Nam tỏa sáng tại UNESCO với nghệ thuật truyền thống và khát vọng vươn mình
Việt Nam tỏa sáng tại UNESCO với nghệ thuật truyền thống và khát vọng vươn mình

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, tối 9/4, tại trụ sở của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO ) ở thủ đô Paris, tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Bộ Ngoại giao Việt Nam và Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO đã tổ chức thành công chương trình "Việt Nam - Tinh hoa văn hóa và khát vọng vươn mình", nhằm quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam, đặc biệt là vận động UNESCO công nhận tranh dân gian Đông Hồ là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN