Tại hội thảo có 25 tham luận khoa học được trình bày, tập trung làm rõ về cuộc đời, quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ; vai trò của đồng chí đối với phong trào cách mạng ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, với phong trào công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam…
Đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ sinh ngày 10/8/1914 tại làng Mỹ Hòa, xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, một vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh nước nhà bị ách thống trị của thực dân phong kiến, ngay từ nhỏ đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ đã ra sức học tập, nuôi dưỡng lòng yêu nước. Năm 20 tuổi, đồng chí thi đậu và học tại Trường Kỹ nghệ thực hành Huế và sau này được giữ lại làm giáo viên của trường. Cuối năm 1937, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ được cử làm đại diện cho Đoàn Thanh niên dân chủ trong nhà trường và hội hướng đạo, làm thư ký Hội Ái hữu Trường Kỹ nghệ thực hành Huế và Bí thư chi bộ nhà trường, tham gia tích cực các hoạt động cách mạng.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ tuy ngắn ngủi chỉ mới 35 tuổi đời (1914-1949), 15 năm hoạt động cách mạng nhưng đồng chí đã có nhiều đóng góp cho phong trào cách mạng trên quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng, phong trào cách mạng Liên khu 5 và Công đoàn Việt Nam nói chung. Những hoạt động, cống hiến của đồng chí gắn liền những ngày tháng hoạt động sôi nổi trong phong trào thanh niên ở Huế, với vai trò xây dựng lực lượng, chuẩn bị và lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Quảng Nam-Đà Nẵng. Trong quá trình hoạt động cách mạng, mặc dù nhiều lần bị địch bắt nhưng đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ luôn giữ được khí tiết của người cộng sản, không chịu khuất phục kẻ thù.
Một trong những đóng góp quan trọng của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp là xây dựng các công binh xưởng ở Quảng Nam và Đà Nẵng. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, trên cương vị Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đồng chí đã chỉ đạo nghiên cứu, chế tạo thành công súng tiểu liên Xit-ten kiểu Pháp; thành lập xưởng sản xuất vũ khí tại huyện Đại Lộc… cung cấp đạn dược phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Thị Thu Lan cho biết, hội thảo là dịp để tưởng nhớ, tri ân những công lao, đóng góp to lớn của nhà cách mạng Huỳnh Ngọc Huệ. Một chiến sĩ cách mạng kiên trung, là người đồng sáng lập nên tổ chức Công đoàn Việt Nam. Đây là dịp để thế hệ hôm nay tìm hiểu rõ hơn về lịch sử, tự hào và phát huy hơn nữa truyền thống cách mạng của cha anh đi trước, ra sức học tập, lao động để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển, giàu đẹp.