Diễn ra trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Anh, tọa đàm nhằm chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng, phát triển trung tâm tài chính quốc tế với Việt Nam, quốc gia chủ trương xây dựng một Trung tâm tài chính quốc tế nhằm tận dụng các dòng vốn quốc tế, nâng cao vị thế trên trường quốc tế và thúc đẩy kế hoạch trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 cũng như hỗ trợ sự phát triển bền vững của Việt Nam và mục tiêu trở thành quốc gia không phát thải vào năm 2050.
Tại tọa đàm, đại diện Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP Hồ Chí Minh (HFIC) cập nhật về đề án xây dựng trung tâm tài chính tại TP Hồ Chí Minh, những thách thức trong quá trình xây dựng đề án và nhu cầu học hỏi kinh nghiệm từ các đối tác Anh quốc trong lĩnh vực này.
Các diễn giả đến từ Bộ Tư pháp Anh và các tổ chức tài chính, ngân hàng, công ty luật của Anh chia sẻ kinh nghiệm về việc xây dựng xây dựng mô hình trung tâm tài chính, các cơ chế, chính sách, khung pháp lý, hệ thống pháp luật liên quan đến việc xây dựng và quản lý và vận hành trung tâm tài chính, và chính sách thu hút nhà đầu tư quốc tế tham gia vào hệ sinh thái trung tâm tài chính, cũng như các lĩnh vực tiềm năng hợp tác, gồm công nghệ tài chính (fintech), chuyển đổi số, dịch vụ pháp lý, trọng tài quốc tế…
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long cho biết việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh là một trong những dự án trọng điểm trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Anh. Chuyến công tác của Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh do Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan dẫn đầu đến làm việc với TheCityUK và các đối tác của Anh tại London để thảo luận về xây dựng trung tâm tài chính là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy các giai đoạn hợp tác tiếp theo giữa hai bên.
Đại sứ Nguyễn Hoàng Long nhận định, là một trong những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, có nhiều kinh nghiệm trong việc hỗ trợ xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế như Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Dubai… London là đối tác phù hợp nhất để Việt Nam hợp tác xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế mới tại TP Hồ Chí Minh.
Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, là một trong những đầu tàu kinh tế của Việt Nam và chiếm khoảng 23% GDP cả nước, TP Hồ Chí Minh được chính phủ lựa chọn để xây dựng một trung tâm tài chính. Thành phố hiện đã hoàn thiện dự thảo đề án xây dựng trung tâm tài chính và báo cáo chính phủ.
Ông Võ Văn Hoan cho biết London là một trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu và lâu đời trên thế giới, với bề dày kinh nghiệm phát triển trung tâm tài chính với các khung pháp lý và chính sách chuẩn mực cao cũng như có hệ sinh thái các dịch vụ tài chính và các dịch vụ chuyên môn có liên quan, vì vậy TP Hồ Chí Minh mong muốn hợp tác và trao đổi với Vương quốc Anh về kinh nghiệm và hỗ trợ xây dựng, định hướng phát triển trung tâm tài chính.
Bà Nicola Watkinson, Giám đốc điều hành TheCityUK, nhận định, Việt Nam là một trong những thị trường tài chính sôi động và hấp dẫn với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, phù hợp với các dịch vụ tài chính của Anh. Là nền kinh tế năng động cùng với cam kết trung hòa khí thải, Việt Nam mang lại rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư Anh. Bà Watkinson cho rằng quan hệ đầu tư thương mại song phương sẽ hưởng lợi rất nhiều từ nền tảng quan hệ vững chắc trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao trong năm nay.
Bà Nicola Watkinson cho biết TheCityUK và các thành viên mong muốn được hỗ trợ Việt Nam một cách hiệu quả trong hành trình phát triển trung tâm tài chính quốc tế và hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh và các bên liên quan của Việt Nam để đạt được điều này vì lợi ích chung.
Ông Andrew Oldland, Công ty luật Michelmores, cho biết Việt Nam là một thị trường có tính cạnh tranh cao tại khu vực Đông Nam Á, việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh đầy triển vọng. Ông chỉ ra tầm quan trọng của việc phát triển một chiến lược đối với trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn tiếp theo.
Ông Oldland nhận định, bên cạnh việc phát triển thị trường vốn, fintech, tài chính xanh và một số lĩnh vực quan trọng khác, có hai vấn đề trọng tâm, giúp quyết định đến thành công của một trung tâm tài chính. Trước tiên, đó là bộ điều lệ có tính độc lập và bộ quy tắc pháp lý rõ ràng để các nhà đầu tư có thể yên tâm đầu tư. Ông cho rằng, một trung tâm tài chính quốc tế hấp dẫn không chỉ nhờ vào các ưu đãi thuế, mà điều quan trọng là động lực kinh tế và cơ hội kinh doanh. Chủ tịch TheCityUK cũng lưu ý, mục đích hoạt động của một trung tâm tài chính không chỉ nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI mà còn nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương, nhấn mạnh đây là hai yếu tố đi kèm và hỗ trợ lẫn nhau.
Chủ trương xây dựng trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh được nêu tại Báo cáo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030) và được thông qua tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đầu tháng 10, Thủ tướng Chính phủ có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế gồm các thành viên từ các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Công Thương; Quốc phòng; Công an; Thông tin và Truyền thông; Tài nguyên và Môi trường; và Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, UBND TP Hồ Chí Minh, UBND Thành phố Đà Nẵng, theo đó UBND TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục hoàn thiện nội dung Đề án trên cơ sở định hướng của Ban chỉ đạo quốc gia, cũng như chủ động nghiên cứu làm việc với các đơn vị tư vấn quốc tế, các tập đoàn, định chế tài chính có uy tín, các chuyên gia để hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng trung tâm tài chính.