Luật An ninh mạng được thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV sẽ có hiệu lực từ 1/1/2019. Luật gồm 7 Chương, 43 Điều. Trong đó, Luật dành hẳn một Điều quy định về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng (Điều 27).
Theo đó, trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng.
Chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có trách nhiệm kiểm soát nội dung thông tin trên hệ thống thông tin hoặc trên dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp để không gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; ngăn chặn việc chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; kịp thời thông báo, phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an để xử lý.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong bảo đảm quyền của trẻ em trên không gian mạng, ngăn chặn thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em theo quy định của Luật này và pháp luật về trẻ em.
Luật cũng quy định rõ: Cơ quan, tổ chức, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân khác liên quan có trách nhiệm bảo đảm quyền của trẻ em, bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng theo quy định của pháp luật về trẻ em.
Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và các cơ quan chức năng có trách nhiệm áp dụng biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi sử dụng không gian mạng gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em.
Trước đó, Luật Trẻ em 2016 có hiệu lực từ ngày 1/6/2017 cũng quy định rõ "Trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng" (Điều 54). Theo đó, cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức; cha, mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật.
Tại Điều 33, Nghị định 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật trẻ em 2016 cũng quy định rõ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em phải được bảo vệ trên môi trường mạng. Thông tin bí mật về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ gồm: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.
Như vậy, Luật An ninh mạng với những điều khoản cụ thể quy định về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đã thể hiện sự thống nhất với các luật và quy định khác. Đặc biệt, Luật đã quy định cụ thể hơn trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông, internet... là "ngăn chặn việc chia sẻ" và "xóa bỏ" thông tin có nội dung gây nguy hại, xâm phạm đến trẻ em. Đây là điều rất cần thiết để có thể bảo vệ trẻ em kịp thời trước những thông tin bất lợi trên không gian mạng.