Tại Lễ trao giải, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc thi cho biết, tội phạm và tệ nạn ma túy là hiểm họa lớn của nhân loại. Trong những năm qua, do chịu tác động lớn của ma túy thế giới và khu vực, nhất là khu vực vùng "Tam giác vàng", tình hình tội phạm và ma túy trong nước diễn biến rất phức tạp, khó lường, đã và đang gây ra những hậu quả tiêu cực đến mọi mặt đời sống.
Trong bối cảnh đó, Luật Phòng, chống ma túy được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ 1/1/2022 đã bổ sung nhiều quy định về phòng, chống ma túy, trong đó có quy định quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan tới ma túy, hợp tác quốc tế về ma túy… qua đó đã khắc phục được nhiều bất cập trong những quy định của luật cũ ban hành năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008.
Để Luật sớm đi vào cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý quan trọng nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, Bộ Công an đã chủ động tham mưu cho Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thi hành Luật đến cấp xã; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền đến các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân. Đặc biệt, Bộ đã phát động tổ chức triển khai Cuộc thi tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy bằng cả hai hình thức trực tuyến và tự luận trên phạm vi toàn quốc và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài - Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.
Theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, ngay sau khi kế hoạch Cuộc thi được ban hành đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các ban, bộ, ngành, các địa phương, các tầng lớp nhân dân, lực lượng vũ trang và học sinh, sinh viên. Điều này đã góp phần lan tỏa ý thức, trách nhiệm, thực thi pháp luật về phòng, chống ma túy trong toàn xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, đấu tranh phòng, chống ma túy là nhiệm vụ khó khăn, gian khổ, lâu dài, cần phải kiên trì và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chuyên trách, sự hỗ trợ, giúp đỡ của từng người dân. Trong cuộc chiến đó, Luật Phòng, chống ma túy là hành lang pháp lý quan trọng.
Theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, hiện nay, trên thế giới đã xác định được 500 chất ma túy và tiền chất. Việt Nam đang hợp tác với các nước để tiếp cận các chất mới. Tuy nhiên, các cơ sở, phương tiện để giám định ở Việt Nam cần phải bổ sung thêm. Để nâng cao ý thức, nhận thức về hiểm họa ma túy và công tác phòng, chống tội phạm ma túy, các cấp, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, phòng ngừa ma túy theo phương châm hướng về cơ sở; tập trung vào các nhóm đối tượng có nguy cơ phát sinh người nghiện, người sử dụng ma túy trái phép. Công tác tuyên truyền tập trung vào số thanh thiếu niên, học sinh trong các nhà trường để giảm nguồn cầu về ma túy.
Trong công tác chung, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan phối hợp Bộ Công an đẩy mạnh việc xác định tình trạng người nghiện, lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tạo điều kiện giúp người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Hiện nay, Bộ Công an đã có chỉ đạo cơ quan điều tra các cấp điều tra, bắt giữ những đối tượng chủ mưu, cầm đầu các đường dây phạm tội về ma túy. Qua đó trừng trị nghiêm khắc những tổ chức tội phạm sản xuất ma túy.
Thông tin tại Lễ trao giải cho thấy, ngày 9/3/2023, Bộ Công an ban hành Kế hoạch 113 tổ chức Cuộc thi tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy. Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy được giao là đơn vị Thường trực, cơ quan chủ trì tổ chức Cuộc thi. Theo đó, hệ thống câu hỏi phần thi trực tuyến được xây dựng với mục đích cung cấp những kiến thức cơ bản về Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản hướng dẫn thi hành. Hệ thống phần mềm dự thi được thiết kế hấp dẫn, đa phương tiện, mang tính tương tác cao, dễ tiếp cận đến mọi đối tượng.
Thống kê cho thấy, 3,2 triệu lượt người đã dự thi trực tuyến trên Internet, gần 5.000 bài dự thi viết tự luận, trong đó các tác giả gửi gắm nhiều thông điệp, hướng đến một xã hội không ma túy. Ban Tổ chức đã trao 2 giải đặc biệt (trực tuyến và tự luận), 10 giải nhất, 30 giải nhì, 60 giải ba và 90 giải khuyến khích.