Các gương phụ nữ Thủ đô tiêu biểu năm 2019 gồm: Bà Nguyễn Thị Côi (quận Hoàng Mai) đã duy trì lớp học tình thương, dạy miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật suốt 25 năm với trên 500 học trò qua các thế hệ. Bà Đặng Thị Cuối (huyện Đan Phượng) tiên phong đầu tư sản xuất rau hữu cơ, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Nghệ sĩ Nhân dân Phó Thị Kim Đức, nguyên cán bộ Đài Tiếng nói Việt Nam, gắn bó và cống hiến suốt đời cho bảo tồn nghệ thuật dân gian, đặc biệt là ca trù. Bà Trần Thị Thu Hà, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội có nhiều đổi mới, sáng tạo trong chuyên môn, đặc biệt là mô hình “Nhà giáo Hà Nội giúp đỡ học sinh khó khăn. Vận động viên môn Kick Boxing Bùi Yến Ly, vô địch Muay Thái toàn quốc đầu tiên năm 2012 khi mới 17 tuổi, từ đó đến nay 8 năm liền thống trị Muay Thái và Kick Boxing ở các giải đấu toàn quốc và đấu trường quốc tế.
Bà Phạm Thị Lý, chủ doanh nghiệp, ứng dụng thành công quy trình xác thực chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Nhung, tích cực tham gia và vận động hội viên xây dựng nông thôn mới, xây, sửa gần 2.000m đường với kinh phí gần 500 triệu đồng. Bà Vũ Thị Thủy, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an quận Hai Bà Trưng, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, tham mưu triển khai hiệu quả cải cách thủ tục hành chính. Bà Đào Kim Tuyến, kiểm tra viên chất lượng Công ty TNHH Hệ thống dây Sumi Hanel, đoạt nhiều thành tích cao trong các cuộc thi tay nghề, nhiều danh hiệu trong các cuộc thi nghề. Bà Nguyễn Thị Yến, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH thương mại Hải Yến, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Thạch Lỗi, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, nhiệt tình tham gia công tác nhân đạo từ thiện, xây dựng nông thôn mới với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Đánh giá cao kết quả đạt được của phong trào thi đua yêu nước của Phụ nữ Thủ đô giai đoạn 2014 - 2019, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đề nghị các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, nâng cao nhận thức hội viên, từ đó chủ động, tích cực tham gia các phong trào thi đua. Bên cạnh đó, các cấp Hội Phụ nữ cần thường xuyên cải tiến, đổi mới các biện pháp chỉ đạo thi đua, chủ động, sáng tạo đề ra các mục tiêu, nội dung, chỉ tiêu thi đua sát thực, phù hợp với quyền lợi chính đáng của các hội viên.
Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc”, các cấp Hội cần xây dựng kế hoạch rèn luyện phẩm chất phụ nữ “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội cần nghiên cứu, đề xuất các phong trào, vận động mô hình mới thiết thực, chỉ đạo điểm mô hình phụ nữ thực hiện phong trào chống rác thải nhựa trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo của Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội, từ năm 2014 đến năm 2019, các phong trào thi đua đã được các cấp hội thực hiện có hiệu quả, huy động được sức mạnh nội lực của các tầng lớp phụ nữ. Nhiều mô hình, phần việc thi đua cụ thể, thiết thực đã được thực hiện, mang lại lợi ích cho phụ nữ, trẻ em, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Bà Nguyễn Thị Hương Trà - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho rằng, để thực hiện phong trào thi đua đạt hiệu quả, các cơ sở hội cần tăng cường công tác phát hiện, bồi dưỡng điển hình và có nhiều hình thức biểu dương, tôn vinh. Qua đó, sẽ chỉ ra được những mặt còn tồn tại, hạn chế và đề ra hướng khắc phục.
Còn bà Nguyễn Thị Duyên, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Rùa, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì (Hà Nội) chia sẻ, để có thể đạt được những thành tựu nổi trội, vươn lên đến một mức thu nhập ổn định thì nhất định mỗi phụ nữ phải có quyết tâm và dám làm.