Bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính được Hội nghị rất chú ý và đánh giá cao. Lãnh đạo cấp cao các nước quan tâm chia sẻ, đồng tình ủng hộ quan điểm của Thủ tướng, đặc biệt là các định hướng quan trọng để châu Á phục hồi kinh tế, định hình vai trò và vị thế của mình trong giai đoạn mới của thế giới.
Sau đây TTXVN xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng:
Thưa Ngài Chủ tịch,
Thưa Các vị Lãnh đạo,
Thưa Quý vị đại biểu,
Hôm nay, tôi rất vui mừng được tham dự và phát biểu tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 26. Trước hết, tôi xin cảm ơn Chính phủ Nhật Bản và Tập đoàn Nikkei đã mời tôi dự Hội nghị hết sức có ý nghĩa này. Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ Việt Nam và với tình cảm cá nhân, tôi xin gửi tới các vị lãnh đạo, các quý vị đại biểu lời chào trân trọng, lời chúc mừng tốt đẹp nhất!
Thưa các Quý vị đại biểu,
Tôi hoan nghênh Báo Nikkei đã lựa chọn chủ đề rất đúng đắn và phù hợp cho Hội nghị lần này, đó là: “Định hình kỷ nguyên hậu COVID: Vai trò của châu Á trong khôi phục toàn cầu”; thể hiện vị thế, vai trò của châu Á trong cuộc chiến phòng, chống COVID-19 và khôi phục, phát triển kinh tế thời kỳ hậu COVID-19. Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường, khó dự báo trên thế giới và ở khu vực, tác động sâu sắc, mạnh mẽ đến kinh tế - xã hội, đời sống người dân các nước. Tác động của đại dịch đã làm bộc lộ gay gắt hơn những vấn đề mà châu Á cũng đang phải đối mặt như khoảng cách phát triển về thể chế, hạ tầng, công nghệ; các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống như thiên tai, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu...; hơn thế nữa, đại dịch đã làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị toàn cầu, cách thức hoạt động kinh tế, tổ chức đời sống xã hội của thế giới.
Thưa các Quý vị đại biểu,
Châu Á luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế và chính trị thế giới, có ảnh hưởng sâu rộng, đa diện đến sự định hình kỷ nguyên mới. Trong nhiều thập kỷ qua, châu Á đã vững vàng vượt qua không ít khủng hoảng, suy thoái, thảm họa thiên nhiên; vươn lên trở thành một động lực rất quan trọng của kinh tế toàn cầu. Sự thành công bước đầu của các nước châu Á trong phòng, chống dịch bệnh và khôi phục kinh tế thời gian qua đã chứng minh sự năng động, sức sống mãnh liệt của một khu vực đang vươn lên khẳng định vị thế trong một thế giới đang thay đổi.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 được đánh giá là “thảm họa lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai” đã, đang và sẽ tác động sâu sắc đến cục diện thế giới, khu vực, cũng như đời sống kinh tế xã hội của tất cả các nước. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm đòi hỏi tất cả các nước cần gác lại mâu thuẫn, bất đồng, đoàn kết, thống nhất hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, tất cả cùng chiến thắng vượt qua đại dịch. Càng trong những lúc khó khăn, chúng ta càng cần phải đoàn kết hơn nữa, hợp tác bình đẳng, gắn bó hơn nữa để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức. Hoàn cảnh đặc biệt đòi hỏi phải có những hành động, giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt và đặc biệt. Chúng ta cần một khuôn khổ hợp tác mới với những đột phá cần thiết để vừa giúp nền kinh tế trụ vững qua đại dịch, vừa đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững và bao trùm trong tương lai; cùng nhau “Chung tay xây dựng châu Á hòa bình, hợp tác, phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong kỷ nguyên hậu COVID-19”.
Với phương châm phát triển mạnh mẽ nội lực, khả năng thích ứng, tự lực tự cường; tăng cường củng cố hợp tác quốc tế; lấy con người làm trung tâm, lấy những giá trị văn hóa cốt lõi tốt đẹp làm nền tảng, lấy khó khăn thách thức làm động lực để hợp tác cùng vươn lên, chúng ta cần tập trung vào sáu nội dung hợp tác sau:
Thứ nhất, phát triển hạ tầng chiến lược chất lượng cao là biện pháp hữu hiệu kích thích tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, đồng thời là đột phá chiến lược về dài hạn. Với tốc độ phát triển hiện nay, châu Á cần hệ thống hạ tầng vững chắc để hỗ trợ phát triển kinh tế và kết nối thông suốt từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, đến 2030 các quốc gia châu Á đang phát triển cần đầu tư ít nhất 1.700 tỷ đô la Mỹ mỗi năm cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Do vậy, chúng tôi hoan nghênh các sáng kiến về cơ sở hạ tầng chiến lược chất lượng cao mà Chính phủ Nhật Bản và các đối tác đã đề xuất. Chúng ta cũng cần có cách tiếp cận mới, sáng tạo trong huy động vốn và khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, khuyến khích các hình thức đối tác công - tư (PPP), lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư.
Thứ hai, thúc đẩy tiến trình hợp tác, hội nhập và liên kết kinh tế bình đẳng, hiệu quả song phương, đa phương nhằm bảo đảm dòng chảy thương mại, đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự phục hồi hậu COVID-19 của châu Á sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng duy trì thương mại và đầu tư cả trong nội khối cũng như với các khu vực bên ngoài. Các nỗ lực này cần được triển khai ở tất cả các cấp độ từ toàn cầu, khu vực, liên khu vực, đến nỗ lực cải cách trong nước của mỗi quốc gia. Các khuôn khổ liên kết kinh tế theo hướng mở, dựa trên luật lệ như CPTPP, RCEP sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa quá trình phục hồi và phát triển kinh tế khu vực. Đồng thời, các bên cần cùng nhau thảo luận, tìm ra cách thức vận hành nền kinh tế khu vực phù hợp với điều kiện vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, ưu tiên cho lưu chuyển hàng hóa, đi lại của người dân, bảo đảm chuỗi cung ứng và sản xuất, kinh doanh vận hành suôn sẻ.
Thứ ba, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, công nghệ số, chuyển đổi số chính là động lực giúp châu Á chuyển mình trong giai đoạn hậu COVID-19. Để tối ưu hóa lợi ích và giảm thiểu nguy cơ từ nền kinh tế số đang bùng nổ, chúng ta cần tăng cường hợp tác trong: (1) Cải thiện hiệu quả cơ sở hạ tầng và kết nối kỹ thuật số, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển; (2) xây dựng chính phủ điện tử và hướng đến chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; (3) nâng cao hiểu biết và kỹ năng số của người dân; đào tạo kỹ năng mới cho người lao động; (4) phối hợp xây dựng các khung khổ về bảo đảm an ninh mạng, bảo mật dữ liệu, quản lý thuế và hệ thống logistics cho hoạt động thương mại điện tử.
Thứ tư, thúc đẩy tăng trưởng xanh bền vững, hiệu quả ngay từ giai đoạn đầu phục hồi sau đại dịch. Điều này sẽ giúp định hướng cho sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế trên nền tảng bền vững hơn, bảo đảm cân bằng sinh thái và giải quyết những thách thức về môi trường, biến đổi khí hậu. Chúng ta cần thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ trong xây dựng mô hình tăng trưởng phát thải bằng không, kinh tế tuần hoàn, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên; nỗ lực thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; hoàn thành đúng hạn các Mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc; đạt được thỏa thuận toàn cầu về chống rác thải nhựa đại dương.
Thứ năm, tăng cường phối hợp xử lý đại dịch COVID-19 và nâng cao năng lực hệ thống y tế công cộng, an sinh xã hội, sẵn sàng ứng phó với các thách thức y tế tương lai. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 với các nước, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các nước trong cuộc chiến này, nhất là trong việc nghiên cứu, sản xuất và tiếp cận bình đẳng trong phân phối vaccine phòng COVID-19. Trong tình huống khẩn cấp như hiện nay, sản xuất và phân phối vaccine không còn là câu chuyện riêng của một quốc gia, một doanh nghiệp, mà là vấn đề nhân đạo với mục tiêu quan trọng nhất là sức khỏe cộng đồng, không nước nào có thể bảo đảm an toàn khi các nước khác vẫn còn dịch bệnh trong điều kiện hội nhập hiện nay. Do đó, ưu tiên hàng đầu là bảo đảm nguồn cung, tiếp cận bình đẳng, kịp thời vaccine, giảm các rào cản về sở hữu bản quyền, thúc đẩy chuyển giao công nghệ về sản xuất vaccine một cách cởi mở, thiết thực, hiệu quả, công bằng. Đồng thời, chúng ta có thể nghiên cứu thành lập hoặc phát huy các cơ chế hợp tác khu vực nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 cũng như các dịch bệnh truyền nhiễm khác sau này; như việc thành lập Trung tâm ASEAN về các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi.
Thứ sáu, điều kiện tiên quyết cho phục hồi và phát triển thịnh vượng sau đại dịch là bảo đảm môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển. Trong bối cảnh khu vực và quốc tế đang phải tập trung nguồn lực để xử lý các vấn đề cấp bách chưa có tiền lệ, thì trên hết và trước hết các nước cần đóng góp có trách nhiệm đối với vấn đề này; cần tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi. Đối với vấn đề Biển Đông, cần giải quyết các tranh chấp và bất đồng bằng giải pháp hòa bình, thượng tôn pháp luật, nhất là Hiến chương của Liên hợp quốc, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982; phát huy các cơ chế hợp tác đa phương, thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC và phối hợp chặt chẽ trong đàm phán COC sớm đạt được hiệu quả; duy trì hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông.
Việt Nam tham gia có trách nhiệm, sẵn sàng cùng các nước vun đắp cho hòa bình, ổn định, phát triển và tình đoàn kết; vì lợi ích chung và sự phát triển phồn vinh của từng quốc gia, trong khu vực; vì sự ấm no và hạnh phúc của mọi người dân trên thế giới.
Người Việt Nam có câu “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”; người Nhật Bản có danh ngôn “Hoa mơ nở trong tuyết”. Chúng tôi có niềm tin sâu sắc rằng chúng ta sẽ đoàn kết, cùng nhau “Chung tay xây dựng châu Á trong kỷ nguyên hậu COVID-19”. Niềm tin này xuất phát từ những giá trị, bản sắc châu Á. Đó là những giá trị về tinh thần cộng đồng, tầm nhìn, sự bền bỉ, quả cảm, kỷ luật, linh hoạt thích ứng và khát vọng vươn lên.
Thưa các Quý vị đại biểu,
Nói đến tương lai châu Á, chúng ta không thể không nhắc tới vai trò của Nhật Bản – một trong những nền kinh tế tiên tiến hàng đầu thế giới đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của châu lục. Các nước châu Á và Nhật Bản đã cùng nhau vượt qua khủng hoảng tài chính 2008, trở thành động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu và ngày nay đang tiếp tục hợp tác chặt chẽ để ứng phó với đại dịch COVID-19. Những công trình, dự án với sự hỗ trợ hiệu quả của Nhật Bản trải dài khắp châu Á, từ hạ tầng giao thông, năng lượng đến nông nghiệp, y tế, công nghệ, viễn thông, văn hóa, giáo dục và sức khỏe cộng đồng.
Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản tiếp tục phát triển tốt đẹp, mạnh mẽ và thực chất trên nhiều lĩnh vực, với sự tin cậy chính trị cao. Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ quý báu mà Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã dành cho chúng tôi trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội hơn bốn thập kỷ qua. Việt Nam hoan nghênh các nỗ lực của Nhật Bản về kết nối khu vực, liên kết kinh tế, phát triển bền vững, mong Nhật Bản tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong củng cố hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực. Nhân dịp này, tôi xin chúc, tin tưởng rằng Chính phủ và nhân dân Nhật Bản dưới sự lãnh đạo bản lĩnh, quả cảm của Thủ tướng Suga tiếp tục gặt hái những thành công mới trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, tổ chức thành công Thế vận hội Olympic và Paralympic 2021, đưa sự kiện trở thành biểu tượng của sự đoàn kết toàn cầu trong điều kiện chống đại dịch COVID-19, chứng minh cho sự khẳng định đúng đắn như Thủ tướng Suga đã phát biểu.
Thưa các Quý vị đại biểu,
Cùng với cộng đồng quốc tế, trong hơn một năm qua, Việt Nam đã hết sức nỗ lực ứng phó với đại dịch COVID-19. Chúng tôi xin bày tỏ sự xúc động và lời cảm ơn chân tình nhất tới các nước trong khu vực, nhất là Nhật Bản đã tích cực hỗ trợ Việt Nam ứng phó với dịch COVID-19, khắc phục hậu quả lũ lụt, hạn hán, thiên tai. Với quyết tâm cao của Chính phủ và sự đồng lòng của người dân, chúng tôi tập trung thực hiện “mục tiêu kép” là vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh. Một số định chế quốc tế có đánh giá, Việt Nam nằm trong các nền kinh tế có khả năng phục hồi tốt nhất hậu COVID-19 xuất phát từ tình hình chính trị - xã hội ổn định; từ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; các biện pháp quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ; cũng như nền tảng kinh tế vĩ mô tương đối vững chắc. Chúng tôi sẽ phát huy những kết quả đạt được, vượt qua các khó khăn, thách thức, tiếp tục đưa đất nước phát triển dựa trên 3 trụ cột chính là chiều sâu của bề dày truyền thống văn hóa - lịch sử hào hùng của dân tộc, giá trị con người Việt Nam và tài nguyên thiên nhiên.
Quan điểm của chúng tôi về phát triển là: Thứ nhất, phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; bảo đảm phát triển hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Lấy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, nhu cầu thị trường, các ngành mới nổi và tăng năng suất lao động làm định hướng; thứ hai, hoàn thiện thể chế phát triển một cách đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập là điều kiện tiên quyết; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế; thứ ba, thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân để phát triển đất nước. Phát huy tối đa giá trị con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, vừa là nguồn lực vừa là động lực quan trọng nhất và là mục tiêu cao nhất của sự phát triển. Không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; thứ tư, xây dựng nền kinh tế tự chủ trên cơ sở lảm chủ công nghệ và tích cực hội nhập, nâng cao khả năng thích ứng, chịu đựng của nền kinh tế. Phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại; thứ năm, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Thưa các Quý vị đại biểu,
Thị trường 100 triệu dân năng động và tiềm năng của Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố về thể chế, chính sách, hạ tầng, vị trí địa lý, sự ổn định về chính trị, xã hội, môi trường đầu tư, nguồn nhân lực để phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới. Trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ tập trung thực hiện ba đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng chiến lược. Chúng tôi cũng sẽ dành ưu tiên đặc biệt cho các dự án xây dựng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam mở ra nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh cho các doanh nghiệp ở các nước trong khu vực và trên toàn thế giới. Chúng tôi sẵn sàng cùng các bạn mở rộng hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng chiến lược, năng lượng, công nghiệp chế tạo và phụ trợ, công nghiệp môi trường, nông nghiệp chất lượng cao, điện tử, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, đô thị thông minh, logistics. Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi và cùng đồng hành với các nhà đầu tư nước ngoài để tất cả cùng thắng, đồng thời chia sẻ rủi ro khi có nguyên nhân khách quan.
Thưa các Quý vị đại biểu,
Một châu Á vươn lên vì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng chính là khát vọng chung các quốc gia trong khu vực. Đoàn kết, bình đẳng giữa các quốc gia; quyết tâm của các chính phủ; sự chung tay, đồng lòng của doanh nghiệp và người dân chính là chìa khóa để xây dựng một tương lai tươi đẹp cho châu Á. Với tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, không ngừng đổi mới, sáng tạo và đi lên từ “bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển” trên toàn châu lục, chúng ta hoàn toàn có thể “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến điều không thể thành có thể”. Châu Á có trong tay cơ hội và sức mạnh để định hình vai trò và vị thế của mình trong giai đoạn mới của thế giới và để có thể nói rằng: Tương lai là châu Á, châu Á cùng hướng đến Tương lai.
Xin cảm ơn các quý vị đã dành thời gian lắng nghe và xin chúc Hội nghị thành công tốt đẹp!