Ở thời điểm hiện tại, việc xây dựng tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả đòi hỏi phải có quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp.
Đó là vì cuộc cách mạng này đụng đến vấn đề hết sức tế nhị là lợi ích thiết thực của rất nhiều địa phương, tập thể, cá nhân, tâm tư của người lao động.
Nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn Cách mạng mới được nêu ra trong Văn kiện các Đại hội Đảng lần thứ IX, XII, XIII. Đáng chú ý nhất là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, từ nghị quyết đến cuộc sống có khoảng cách không nhỏ. Theo đánh giá của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, hiện nay việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, tổng thể, chưa gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại... cho nên tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn trùng lắp, chồng chéo…
Vì sao lại như vậy? Bài bình luận của Thông tấn xã Việt Nam ngày 24/12/2024 nêu rõ: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có sự níu kéo từ lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể nhỏ. Một số cá nhân, tổ chức có thể hăng hái ủng hộ chủ trương chung về việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị khi điều này “chưa đụng đến tôi”, “không va phải đơn vị của chúng tôi”. Mọi việc có thể thay đổi khi họ phải "vào cuộc".
Cán bộ, đảng viên, kể cả lãnh đạo chủ chốt các cấp khó tránh khỏi “có tâm tư” khi đơn vị mình nằm trong kế hoạch sáp nhập, giải thể, công việc, vị trí của bản thân bị ảnh hưởng nặng nề. Vượt qua được tâm tư riêng vì lợi ích chung đòi hỏi con người đó phải có tư duy thấu đáo, quyết tâm cao, sự dũng cảm hy sinh quyền lợi cá nhân, tập thể nhỏ.
Hiện tại đã xuất hiện nhiều trường hợp cán bộ, đảng viên, lãnh đạo các cấp chủ động rời khỏi vị trí để rộng đường cho việc tinh gọn bộ máy. Từ các địa phương liên tục lan tỏa các thông tin tích cực: Hàng trăm cán bộ ở Nghệ An tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi để tinh gọn bộ máy; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh có gần 100 cán bộ xin nghỉ hưu trước tuổi để việc hợp nhất được thuận lợi; 27 cán bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa xung phong nghỉ hưu sớm…
Một số đảng viên, cán bộ tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi ở Quảng Ninh, Thái Nguyên, Yên Bái, Thanh Hóa, Quảng Bình… đang đảm đương những vị trí quan trọng: Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình… Trong số này có những đồng chí có thời gian làm việc ở phía trước theo quy định là 4 năm, 5 năm, thậm chí gần 10 năm.
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình, có “quỹ thời gian làm việc” đến tháng 12/2028. Ông cho biết: "Tôi xin nghỉ hưu trước tuổi để tạo cơ hội phát triển cho cán bộ trẻ, có năng lực".
Ông Trần Viết Ty, Phó Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa, còn gần 10 năm nữa mới đến tuổi “hưởng thụ”. Ông tâm sự: "Là cán bộ - đảng viên, tôi phải nêu gương. Dù làm việc trong hay ngoài Nhà nước, tôi cũng sẽ tiếp tục cố gắng".
Sự nêu gương của các cán bộ, đảng viên, lãnh đạo chủ chốt các cấp nói trên có tác động rất lớn đến tâm lý của những người thuộc diện “tái cơ cấu”, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Thực tế cho thấy, thời chiến có những gian nan của thời chiến, thời bình có những phức tạp của thời bình, “kỷ nguyên vươn mình” cũng đối diện với nhiều thách thức. Thời điểm nào cũng cần đến tinh thần tiên phong của cán bộ, đảng viên theo tinh thần của Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7/6/2012.
Quy định số 101 “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” yêu cầu: Mỗi cán bộ, đảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam phải tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu trong việc thực hiện, tuyên truyền và bảo vệ chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Ðảng, Nhà nước và của nhân dân.