Với tội danh "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước", bị cáo Nguyễn Đức Chung bị phạt 5 năm tù
Ngày 11/12, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm Vụ án "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường, thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Tòa đã tuyên án phạt 4 bị cáo trong vụ án này gồm: Nguyễn Đức Chung (sinh năm 1967, cựu Phó Bí thư Thành ủy, cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội) 5 năm tù; Phạm Quang Dũng (sinh năm 1983, cựu cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an) 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Hoàng Trung (sinh năm 1983, cựu cán bộ Công an thành phố Hà Nội, biệt phái công tác tại Phòng Thư ký - Biên tập, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội) 24 tháng tù; Nguyễn Anh Ngọc (sinh năm 1974, cựu Phó Trưởng Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội, biệt phái công tác và giữ chức vụ Phó trưởng Phòng Thư ký - Biên tập, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội) 18 tháng tù về cùng tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” theo quy định tại Điều 337 - Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tuyển người tình nguyện tham gia thử nghiệm vắc xin phòng COVID-19 từ ngày 10/12
Từ ngày 10/12, Học viện Quân y sẽ khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVID-19 và thông báo tuyển người tình nguyện tham gia nghiên cứu.
Ngày 9/12, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia đã họp thẩm định và thông qua hồ sơ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1- 2 đối với vắc xin Nanocovax do Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược NANOGEN sản xuất và giao cho nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y làm chủ trì đề tài nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng này.
Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia đã thông qua kế hoạch thu tuyển người tình nguyện tham gia nghiên cứu giai đoạn 1.
Ngày 10/12, Học viện Quân y sẽ khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVID-19 và thông báo thu tuyển người tình nguyện tham gia nghiên cứu; ngày 17/12 sẽ tiêm mũi vắc xin đầu tiên cho người tình nguyện tham gia nghiên cứu giai đoạn 1.
Số lượng, tiêu chuẩn lựa chọn, loại trừ người tham gia nghiên cứu và nội dung thông tin cung cấp cho người tình nguyện tham gia nghiên cứu đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia thông qua.
Theo đó, giai đoạn 1 sẽ có 60 người tình nguyện khỏe mạnh từ 18 đến 50 tuổi tham gia và được phân ngẫu nhiên vào 3 nhóm, bao gồm nhóm 1a với 20 người dùng mức liều 25 mcg sẽ được thu tuyển đầu tiên; tiếp theo là nhóm 1b gồm 20 người dùng mức liều 50 mcg và sau đó là nhóm 1c gồm 20 người dùng mức liều 75 mcg. Tất cả các đối tượng tham gia nghiên cứu giai đoạn 1 sẽ được tiêm bắp 2 mũi vắc xin, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 28 ngày.
Để đảm bảo tính an toàn cho người tham gia nghiên cứu, giai đoạn thu tuyển 60 đối tượng tham gia đánh giá an toàn theo thiết kế dò liều tăng dần.
Quy trình thu tuyển đối tượng tham gia vào giai đoạn 1 sẽ được bắt đầu với 3 người thuộc nhóm liều 25 mcg. Trên cơ sở kết quả theo dõi đánh giá sau 72 giờ sau tiêm vắc xin trên 3 người đầu tiên này mới quyết định mức liều và số người tham gia tiếp theo. Thời gian nghiên cứu cho mỗi người tham gia là khoảng 56 ngày để đánh giá mục tiêu nghiên cứu và theo dõi đến tháng thứ 6 kể từ liều tiêm đầu tiên.
Diễn viên hài Chí Tài đột ngột qua đời
Nghệ sĩ Chí Tài bị đột quỵ vào sáng 9/12 tại Thành phố Hồ Chí Minh và đã qua đời ở tuổi 62.
Thông tin danh hài Chí Tài đột ngột qua đời đang khiến nhiều nghệ sĩ, bạn bè và cả các fan hâm mộ không khỏi bàng hoàng tiếc thương. Được biết, nguyên nhân nam danh hài qua đời là do đột quỵ. Quản lý cũ của Chí Tài cho biết danh hài phải nhập viện Hoàn Mỹ sau khi bị đột quỵ vào sáng 9/12.
Nghệ sĩ Chí Tài sinh năm 1958, tên thật là Nguyễn Chí Tài. Lúc sinh thời, Nghệ sĩ Chí Tài nổi bật nhất với vai trò diễn viên hài, ông được rất nhiều đồng nghiệp và người hâm mộ yêu mến.
Chí Tài hoạt động tại hải ngoại và trong nước và là bạn diễn ăn ý với nghệ sĩ ưu tú Hoài Linh. Trước đó, ông cũng được biết đến như một nhạc công ghi-ta, nhạc sĩ hòa âm hàng đầu tại hải ngoại trong giai đoạn thập niên 90, ngoài ra ông còn là nhạc sĩ sáng tác và viết lời Việt cho một số ca khúc.
Từng là một nhạc công guitar, một nhạc sĩ, đến những năm 2000, Chí Tài bỗng bén duyên với hài và nhanh chóng khẳng định được tên tuổi trong làng giải trí Việt Nam với lối diễn xuất tự nhiên, hóm hỉnh của mình. Ông đặc biệt gắn bó với nhóm kịch Thúy Nga và thường xuyên xuất hiện với vai trò nghệ sĩ hài trong loạt chương trình Paris By Night cùng với Quang Minh, Hồng Đào, Trang Thanh Lan, Kiều Linh, Uyên Chi, Kiều Oanh, Lê Tín, Hoài Linh, Thúy Nga, Hoài Tâm, Việt Hương…
Năm 1987, Chí Tài kết hôn với ca sĩ Phương Loan (sinh 1959, ca sĩ chính trong ban nhạc Chí Tài Brothers, cô nghỉ hát từ khi Chí Tài chuyển sang đóng kịch). Trong cuộc sống gia đình, Chí Tài được đánh giá là người thương yêu vợ và rất quan tâm tới gia đình và họ không sinh con, tập trung sự nghiệp.
Thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Thủ Đức
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 9/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
Với 100% số phiếu tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện để thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ 1/1/2021. Từ thời điểm này, Thành phố Hồ Chí Minh có 22 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 16 quận, 5 huyện, 1 thành phố); 312 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 58 xã, 249 phường, 5 thị trấn). Mô hình chính quyền địa phương ở thành phố Thủ Đức có cả HĐND và UBND thành phố; tuy nhiên các phường thuộc Thủ Đức sẽ không tổ chức HĐND.
Xét xử vụ án tại CDC Hà Nội: Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm bị tuyên phạt 10 năm tù
Sau 3 ngày xét xử và nghị án, chiều 12/12, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phạt các bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội).
Mười bị cáo trong vụ án này đã bị Tòa tuyên án phạt về cùng tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, gồm: Nguyễn Nhật Cảm (sinh năm 1963, nguyên Giám đốc CDC Hà Nội) bị tuyên phạt 10 năm tù; Nguyễn Vũ Hà Thanh (sinh năm 1979, nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán, CDC Hà Nội) và Đào Thế Vinh (sinh năm 1975, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam - MST) cùng bị tuyên phạt 6 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Kim Dung (sinh năm 1973, nguyên Trưởng phòng Tổ chức hành chính, CDC Hà Nội), Nguyễn Ngọc Nhất (sinh năm 1986, nhân viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển khoa học Vitech), Nguyễn Trần Duy (sinh năm 1980, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá Nhân Thành) cùng bị tuyên phạt 6 năm tù; Nguyễn Ngọc Quỳnh (sinh năm 1975, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, CDC Hà Nội), Nguyễn Thanh Tuyền (sinh năm 1985, nhân viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Thiết bị y tế Phương Đông) cùng bị tuyên phạt 5 năm tù; bị cáo Hoàng Kim Thư (sinh năm 1987, nguyên Kế toán trưởng, Phó Trưởng phòng Tài chính Kế toán, CDC Hà Nội), Lê Xuân Tuấn (sinh năm 1982, cán bộ CDC Hà Nội) cùng bị tuyên phạt 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Đình chỉ xét xử 'giang hồ mạng' Phú Lê
Ngày 12/12, Tòa án nhân dân huyện Đan Phượng (Hà Nội) cho biết đã ra Quyết định số 04/2020/HSST-QĐ đình chỉ giải quyết vụ án liên quan tới Lê Văn Phú (tức Phú "Lê", sinh năm 1980, trú tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội; thường được gọi là "giang hồ mạng" Phú Lê) bị Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đan Phượng truy tố về tội "Cố ý gây thương tích" theo quy định tại Điều 134, khoản 1, điểm a, i – Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trong vụ án này, ngoài Phú "Lê" còn có 2 đối tượng là Hoàng Văn Thụy (sinh năm 1995, trú tại xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái), Trần Văn Tư (sinh năm 1988, trú tại xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) cùng bị Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đan Phượng truy tố về tội danh nêu trên.
Theo thẩm phán Doãn Văn Tuyến (Chánh án Tòa án nhân dân huyện Đan Phượng) cho biết, việc Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án này là do trước đó, bị hại trong vụ án là bà Nguyễn Thị Nga (sinh năm 1951, trú tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) đã trực tiếp đến Tòa án rút đơn yêu cầu khởi tố và đề nghị Tòa án đình chỉ việc đưa ra xét xử 3 bị cáo trong vụ án này.
Tòa án nhân dân huyện Đan Phượng đã kiểm tra việc rút đơn của bà Nga là hoàn toàn tự nguyện và đúng quy định pháp luật. Căn cứ theo quy định tại Điều 155 và Điều 282 – Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Tòa án nhân dân huyện Đan Phượng đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án này.
Trước đó, hai bên bị cáo và bị hại trong vụ án đã đạt được thỏa thuận về mức bồi thường dân sự. Việc bồi thường này được ghi rõ trong biên bản thỏa thuận.
Cận cảnh đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông trên đường chạy thử sáng 12/12
Ngày 12/12, 13 đoàn tàu thuộc dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chính thức vận hành thử toàn hệ thống trong 20 ngày. Trước đó, buổi diễn tập xử lý sự cố phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã thành công tốt đẹp.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, toàn bộ hệ thống tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông chính thức vận hành thử nghiệm để đánh giá hệ số an toàn, dự kiến sẽ chạy thử đến 31/12/2020.
Trong thời gian vận hành thử nghiệm, Tổng thầu Trung Quốc sẽ hướng dẫn các nhân sự Việt Nam (được đào tạo tại Trung Quốc) thực hiện vận hành dự án. Đơn vị tư vấn độc lập của Pháp (Liên danh Apave - Certifer - Tricc, do Việt Nam thuê) sẽ cùng giám sát và đưa ra đánh giá an toàn, kỹ thuật khai thác riêng.
Sau quá trình đánh giá độc lập, nếu đạt các yêu cầu về kỹ thuật và đảm bảo an toàn, các đơn vị đầu tư sẽ cấp chứng chỉ cho dự án. Căn cứ vào chứng chỉ đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ bàn giao dự án cho UBND thành phố Hà Nội để đưa vào khai thác thương mại.
Nữ sinh lớp 7 bị nam thanh niên hành hung nhập viện sau va chạm giao thông
Ngày 13/12, ông Đặng Văn Phúc, Đội trưởng Đội cứu nạn giao thông Tây Ninh (do Hội Chữ thập đỏ tỉnh Tây Ninh quản lý) cho biết, vụ nữ sinh H.B.B.N. sinh năm 2008, học sinh lớp 7 Trường THCS Chà Là (xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) bị một nam thanh niên hành hung sau va chạm giao thông, hiện nữ sinh vẫn trong tình trạng hoảng loạn.
Theo em N. vào khoảng 7h ngày 12/12, em N. có chở theo 1 bạn nữ sinh cùng lớp trên xe đạp điện để đi học thêm. Khi đến đoạn đường nội bộ Khu công nghiệp Chà Là (khu vực gần nhà xe công nhân của Khu công nghiệp), xe của em N. va chạm với chị Lê Thị Mộng Trúc (sinh năm 1995, ngụ ấp Khởi Nghĩa, xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, đang làm công nhân tại Công ty TNHH Pouhung Việt Nam, thuộc Khu công nghiệp Chà Là) đi bộ sang đường để vào công ty làm việc, làm cả hai té ngã xuống đường.
Hay tin vợ bị tai nạn, Trần Văn Mẫn, sinh năm 1989, ngụ ấp Ninh Hiệp, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh (là công nhân tại Công ty TNHH Pouhung Việt Nam) đã chạy ra hiện trường chửi mắng.
Em N. đã van xin nhiều lần, nhưng Mẫn vẫn không tha và dùng tay đánh vào mặt em N. Quá hoảng sợ, em N. bỏ chạy, Mẫn tiếp tục đuổi theo, dùng tay đánh vào đầu và đạp em té xuống hố sâu ven đường. Người dân thấy sự việc đã chạy đến, đưa N. đi trạm y tế.
Sau khi em N. được người dân đưa đến trạm y tế và chuyển lên Bệnh viện Lê Ngọc Tùng điều trị, với vết thương ở đầu phải khâu 3 mũi, bong gân chân, hiện tinh thần em N. vẫn hoảng loạn.