Xét xử vụ án tại CDC Hà Nội: Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm bị tuyên phạt 10 năm tù
Sau 3 ngày xét xử và nghị án, chiều 12/12, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phạt các bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội).
Mười bị cáo trong vụ án này đã bị Tòa tuyên án phạt về cùng tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, gồm: Nguyễn Nhật Cảm (sinh năm 1963, nguyên Giám đốc CDC Hà Nội) bị tuyên phạt 10 năm tù; Nguyễn Vũ Hà Thanh (sinh năm 1979, nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán, CDC Hà Nội) và Đào Thế Vinh (sinh năm 1975, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam - MST) cùng bị tuyên phạt 6 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Kim Dung (sinh năm 1973, nguyên Trưởng phòng Tổ chức hành chính, CDC Hà Nội), Nguyễn Ngọc Nhất (sinh năm 1986, nhân viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển khoa học Vitech), Nguyễn Trần Duy (sinh năm 1980, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá Nhân Thành) cùng bị tuyên phạt 6 năm tù; Nguyễn Ngọc Quỳnh (sinh năm 1975, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, CDC Hà Nội), Nguyễn Thanh Tuyền (sinh năm 1985, nhân viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Thiết bị y tế Phương Đông) cùng bị tuyên phạt 5 năm tù; bị cáo Hoàng Kim Thư (sinh năm 1987, nguyên Kế toán trưởng, Phó Trưởng phòng Tài chính Kế toán, CDC Hà Nội), Lê Xuân Tuấn (sinh năm 1982, cán bộ CDC Hà Nội) cùng bị tuyên phạt 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Đình chỉ xét xử 'giang hồ mạng' Phú Lê
Ngày 12/12, Tòa án nhân dân huyện Đan Phượng (Hà Nội) cho biết đã ra Quyết định số 04/2020/HSST-QĐ đình chỉ giải quyết vụ án liên quan tới Lê Văn Phú (tức Phú "Lê", sinh năm 1980, trú tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội; thường được gọi là "giang hồ mạng" Phú Lê) bị Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đan Phượng truy tố về tội "Cố ý gây thương tích" theo quy định tại Điều 134, khoản 1, điểm a, i – Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trong vụ án này, ngoài Phú "Lê" còn có 2 đối tượng là Hoàng Văn Thụy (sinh năm 1995, trú tại xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái), Trần Văn Tư (sinh năm 1988, trú tại xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) cùng bị Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đan Phượng truy tố về tội danh nêu trên.
Theo thẩm phán Doãn Văn Tuyến (Chánh án Tòa án nhân dân huyện Đan Phượng) cho biết, việc Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án này là do trước đó, bị hại trong vụ án là bà Nguyễn Thị Nga (sinh năm 1951, trú tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) đã trực tiếp đến Tòa án rút đơn yêu cầu khởi tố và đề nghị Tòa án đình chỉ việc đưa ra xét xử 3 bị cáo trong vụ án này.
Tòa án nhân dân huyện Đan Phượng đã kiểm tra việc rút đơn của bà Nga là hoàn toàn tự nguyện và đúng quy định pháp luật. Căn cứ theo quy định tại Điều 155 và Điều 282 – Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Tòa án nhân dân huyện Đan Phượng đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án này.
Trước đó, hai bên bị cáo và bị hại trong vụ án đã đạt được thỏa thuận về mức bồi thường dân sự. Việc bồi thường này được ghi rõ trong biên bản thỏa thuận.
Cận cảnh đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông trên đường chạy thử sáng 12/12
Ngày 12/12, 13 đoàn tàu thuộc dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chính thức vận hành thử toàn hệ thống trong 20 ngày. Trước đó, buổi diễn tập xử lý sự cố phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã thành công tốt đẹp.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, toàn bộ hệ thống tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông chính thức vận hành thử nghiệm để đánh giá hệ số an toàn, dự kiến sẽ chạy thử đến 31/12/2020.
Trong thời gian vận hành thử nghiệm, Tổng thầu Trung Quốc sẽ hướng dẫn các nhân sự Việt Nam (được đào tạo tại Trung Quốc) thực hiện vận hành dự án. Đơn vị tư vấn độc lập của Pháp (Liên danh Apave - Certifer - Tricc, do Việt Nam thuê) sẽ cùng giám sát và đưa ra đánh giá an toàn, kỹ thuật khai thác riêng.
Sau quá trình đánh giá độc lập, nếu đạt các yêu cầu về kỹ thuật và đảm bảo an toàn, các đơn vị đầu tư sẽ cấp chứng chỉ cho dự án. Căn cứ vào chứng chỉ đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ bàn giao dự án cho UBND thành phố Hà Nội để đưa vào khai thác thương mại.
Đánh giá kết quả khắc phục sự cố môi trường liên quan đến Formosa Hà Tĩnh
Ngày 12/12, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cùng đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường, một số Bộ, ban ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học đã họp với tỉnh Hà Tĩnh và Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Formosa về việc giám sát đánh giá kết quả khắc phục các vi phạm và thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS).
Thứ trưởng ghi nhận nỗ lực của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh trong việc khắc phục hậu quả và thực hiện đúng cam kết với Chính phủ Việt Nam. Hiện nay các hạng mục bổ sung công trình đã hoàn thành, vận hành ổn định và được Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành đánh giá, xác nhận, nghiệm thu theo đúng tiêu chuẩn, quy định của pháp luật. Việc khắc phục lỗi vi phạm của FHS và việc xử lý chất thải đảm bảo đạt quy chuẩn.
Với sự chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành, tỉnh Hà Tĩnh và sự quyết tâm của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã hoàn thành việc khắc phục các lỗi vi phạm và ghi nhận sự cố gắng của công ty trong việc đảm bảo phát triển kinh tế, gắn với bảo vệ môi trường.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định, các thành viên Hội đồng đồng ý với phương án xử lý chất thải của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh như hiện nay. Phương án xử lý chất thải này hiện đang được áp dụng ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh tiếp tục tăng cường hơn nữa nâng cao nhận thức năng lực cán bộ, thường xuyên diễn tập các sự cố, ứng phó với các vấn đề kỹ thuật xảy ra trong quá trình vận hành, hoạt động. Đồng thời, công ty cần kịp thời cải tạo nâng cấp các công trình một cách liên tục và hiệu quả, đẩy mạnh việc tái sử dụng nước thải, khí thải, chất thải rắn, ưu tiên sử dụng chất thải rắn khi đã hợp chuẩn, hợp quy. Bên cạnh đó, FHS cần phối hợp các đơn vị chức năng tái sử dụng các chất thải rắn, trên tinh thần phát triển tế xanh, tiêu dùng xanh.
Sau sự cố môi trường biển miền Trung xảy ra vào tháng 4/2016, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương khẩn trương vào cuộc xác định nguyên nhân và đối tượng gây ra. Tháng 6/2016, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm về sự cố môi trường biển, xin lỗi nhân dân và Chính phủ Việt Nam. Công ty đã bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng trực tiếp của 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) với số tiền là 500 triệu USD, cam kết khắc phục sự cố và toàn bộ các lỗi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước.
Đến nay, toàn bộ 53 lỗi vi phạm của FHS đã khắc phục xong, đảm bảo cải thiện môi trường. Tổ chức chứng nhận quốc tế - Viện tiêu chuẩn Anh Quốc (BSI) đã trao giấy chứng nhận ISO tiêu chuẩn về hệ thống quản lý môi trường và quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp cho FHS.
Cứu sống kịp thời 11 người sau vụ tàu chìm trên biển
Trưa 12/12, tàu Bình Nguyên 99 đã đưa toàn bộ 11 người gồm 9 thuyền viên và 2 hành khách trên tàu Huy Hoàng 18 chở than đá gặp nạn, tàu bị chìm trên biển về đến thành phố Đà Nẵng an toàn. Hiện tinh thần các nạn nhân ổn định, sức khỏe hồi phục bình thường.
Trước đó, khoảng 22 giờ 50 phút ngày 10/12, tàu Huy Hoàng 18 gồm 11 người trên tàu đang trên hải trình từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Hải Phòng chở theo 2.930 tấn than đá. Khi đi đến khu vực vùng biển tỉnh Bình Định thì xảy ra tai nạn do đâm vào hòn Con Rùa và chìm tại vị trí này.
Ngay sau khi nhận được thông tin báo nạn, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan liên quan và Cảng vụ Hàng hải tại các địa phương khẩn trương triển khai các phương án ứng phó và tìm kiếm cứu nạn người bị rơi xuống biển. Đồng thời, đơn vị cứu nạn đã phát thông báo hàng hải, huy động các tàu thuyền trong khu vực tăng cường cảnh giới và tìm kiếm cứu vớt người bị nạn.
Đến khoảng 2 giờ ngày 11/12, toàn bộ 9 thuyền viên và 2 hành khách của tàu Huy Hoàng 18 đã được tàu Bình Nguyên 99 đang trên hành trình từ Vũng Rô đi Đà Nẵng phát hiện và cứu vớt an toàn. Tàu Bình Nguyên 99 sau khi cứu nạn đã tiếp tục hành trình đưa người bị nạn về Đà Nẵng an toàn.