Thi hành kỷ luật hơn 1.000 tổ chức đảng và hơn 87.000 đảng viên
Ngày 27/11, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoan nghênh và biểu dương những thành tích, kết quả mà cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp đã đạt được trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ: Ngành Kiểm tra của Đảng đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Điều lệ Đảng, làm được rất nhiều việc, có hiệu quả, có nhiều đổi mới.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú nêu rõ trong nhiệm kỳ Khóa XII, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đã được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy, tổ chức Đảng và Ủy ban kiểm tra các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, tạo sự đồng thuận xã hội, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Ngành Kiểm tra đã tích cực thực hiện khá toàn diện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng theo đúng quy định của Điều lệ Đảng; số lượng các cuộc kiểm tra, giám sát năm sau cao hơn năm trước và tăng nhiều so với nhiệm kỳ Đại hội XI.
Nội dung đã tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, những vấn đề bức xúc mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm. Chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm tra, giám sát được nâng lên, có chuyển biến rõ rệt; kịp thời xử lý kỷ luật nghiêm minh và công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong nhiệm kỳ vừa qua, cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra, giám sát hàng chục vạn tổ chức đảng và hàng triệu đảng viên; thi hành kỷ luật hơn 1.000 tổ chức đảng và hơn 87.000 đảng viên, trong đó, có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, kể cả đương chức và đã nghỉ hưu. Điều đó đã khẳng định quyết tâm chính trị cao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và bản lĩnh của Ngành Kiểm tra trong công cuộc chỉnh đốn, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ủy ban kiểm tra các cấp đã tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm là kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; đã lựa chọn đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời, quyết liệt trong tổ chức thực hiện, kết luận rõ các vi phạm, khuyết điểm, kiến nghị hủy bỏ các nghị quyết, quyết định trái thẩm quyền, tạo sự ổn định cho địa phương, cơ quan, đơn vị.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ: Ủy ban kiểm tra các cấp đã đóng vai trò rất quan trọng, góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; đưa công tác phòng, chống tham nhũng thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm, một nội dung quan trọng trong công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời kiểm tra, xử lý những cán bộ, đảng viên mắc vào tham nhũng, xử lý nghiêm tổ chức đảng và đảng viên không chấp hành nghiêm túc các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng.
Ủy ban kiểm tra của Đảng đã phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý và công khai kết quả xử lý những tổ chức, cán bộ, đảng viên có vi phạm. Nhiều vụ việc sau đó đã bị các cơ quan pháp luật khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.
Các cấp ủy, tổ chức đảng đã tích cực sắp xếp tổ chức, kiện toàn bộ máy, xây dựng chương trình hoạt động, quy chế làm việc; giữ được nền nếp công tác, làm việc bài bản, chặt chẽ và có nhiều đổi mới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh điểm sáng nổi bật trong nhiệm kỳ này là, đội ngũ cán bộ kiểm tra, đặc biệt là các đồng chí Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương rất có bản lĩnh, quyết liệt, thận trọng, công tâm, khách quan trong việc thẩm tra, xác minh đối với những vụ việc khó đã tồn tại từ lâu; tham mưu giúp cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét xử lý kỷ luật thấu tình, đạt lý theo tinh thần xử lý một vài người để cứu muôn người, rất nhân văn! Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ: "Trong nhiệm kỳ này, các đồng chí đã làm được nhiều việc, có kết quả rõ rệt, được dư luận rất đồng tình, hoan nghênh, đánh giá cao, góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Với phương châm không có "vùng cấm", không có "ngoại lệ", Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chủ động phát hiện dấu hiệu vi phạm, tổ chức kiểm tra ở tất cả các cấp, các ngành, lĩnh vực, địa bàn khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm; trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực khó, địa bàn nổi cộm, phức tạp, trước đây ít kiểm tra hoặc chưa được kiểm tra, như: Kiểm tra về sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; qua đó đã xử lý kỷ luật khai trừ một số cán bộ, đảng viên suy thoái, chuyển hóa về tư tưởng, có nhiều vi phạm về tuyên truyền chống lại nền tảng tư tưởng của Đảng. Kiểm tra các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp nhà nước, lực lượng vũ trang về công tác cán bộ, bảo vệ môi trường gắn với đầu tư xây dựng, tài chính, ngân hàng.
Qua kiểm tra, đã xử lý nghiêm một số cấp ủy viên các cấp, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; thậm chí cả cán bộ nguyên là lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, nhiều cán bộ là cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Các đồng chí luôn nắm chắc vấn đề, thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhân dân, báo chí, công luận...
Từ bản lĩnh và quyết tâm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có tác dụng lan tỏa đến cấp ủy, ủy ban kiểm tra các địa phương, đơn vị, qua đó khắc phục bước đầu có hiệu quả tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng".
Nghỉ Tết Âm lịch Tân Sửu 7 ngày
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với đề nghị của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc nghỉ Tết Âm lịch Tân Sửu từ ngày 10/2/2021 đến hết ngày 16/2/2021 (tức ngày 29 tháng Chạp năm Canh Tý đến ngày mùng 5 tháng Giêng năm Tân Sửu).
Như vậy, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ Tết Âm lịch Tân Sửu 7 ngày liên tục, trong đó có 5 ngày nghỉ Tết theo quy định và hai ngày nghỉ thứ bảy và chủ nhật hằng tuần. Do ngày mùng 2 và mùng 3 Tết Âm lịch (tức ngày 13-14/2/2021 Dương lịch) trùng vào thứ Bảy và Chủ nhật là ngày nghỉ hằng tuần, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ nghỉ bù vào ngày mùng 4 và mùng 5 Tết Âm lịch (tức ngày 15-16/2/2021 Dương lịch).
Năm 2021, dịp Quốc khánh được nghỉ 4 ngày
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng ý với đề nghị của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về nghỉ lễ Quốc khánh từ ngày 2/9/2021 đến hết ngày 5/9/2021.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện lịch nghỉ trên lưu ý thực hiện: bố trí, sắp xếp các bộ phận làm việc hợp lý để giải quyết công việc liên tục, bảo đảm tốt công tác phục vụ tổ chức, cá nhân. Các cơ quan, đơn vị không thực hiện nghỉ cố định thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần, sẽ căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp.
Thủ tướng ủy quyền Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thông báo việc thực hiện lịch nghỉ lễ, tết trên.
Việt Nam ghi nhận thêm 8 ca mắc mới COVID-19
Tính đến 18 giờ ngày 27/11, Việt Nam ghi nhận thêm 8 ca mắc mới COVID-19, đều là ca nhập cảnh.
Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 27/11, Việt Nam có tổng cộng 1.339 ca mắc COVID-19, trong đó có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 15.994 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 184 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 14.935 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 875 người.
Cũng trong ngày 27/11, các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei, Công ty LILAMA và Hãng Hàng không VietJet đã phối hợp với các cơ quan chức năng Brunei đưa gần 180 công dân Việt Nam từ Brunei về nước, trong đó chủ yếu là lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng của Công ty LILAMA và các trường hợp đặc biệt khó khăn khác.
Vụ án xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội sẽ xét xử vào ngày 10/12
Sáng 27/11, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã ra quyết định vào ngày 10/12 sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội). Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 3 ngày. Hội đồng xét xử gồm 3 người: 1 thẩm phán, 2 hội thẩm nhân dân. Ba kiểm sát viên đại diện cho Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội tham gia giữ quyền công tố tại phiên tòa.
Trong vụ án này 10 bị cáo phải ra hầu Tòa gồm: Nguyễn Nhật Cảm (sinh năm 1963, Giám đốc Trung tâm CDC Hà Nội), Nguyễn Vũ Hà Thanh (sinh năm 1979, Trưởng phòng Phòng Tài chính kế toán, CDC Hà Nội), Nguyễn Thị Kim Dung (sinh năm 1973, Trưởng phòng Phòng Tổ chức hành chính, CDC Hà Nội), Nguyễn Ngọc Quỳnh (sinh năm 1975, Trưởng phòng Phòng Kế hoạch nghiệp vụ, CDC Hà Nội), Hoàng Kim Thư (sinh năm 1987, Kế toán trưởng, Phó Trưởng phòng Phòng Tài chính kế toán, CDC Hà Nội), Lê Xuân Tuấn (sinh năm 1982, cán bộ CDC Hà Nội), Nguyễn Ngọc Nhất (sinh năm 1986, nhân viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển khoa học Vitech), Đào Thế Vinh (sinh năm 1975, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam - MST), Nguyễn Trần Duy (sinh năm 1980, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Định giá và bán đấu giá Nhân Thành), Nguyễn Thanh Tuyền (sinh năm 1985, nhân viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiết bị y tế Phương Đông) cùng bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 222, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, lợi dụng tình hình dịch COVID-19, với động cơ vụ lợi, từ đầu tháng 2/2020, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm CDC Hà Nội, đã câu kết với các bị cáo Nguyễn Ngọc Nhất, Nguyễn Thanh Tuyền, Đào Thế Vinh thuộc các công ty tư nhân kinh doanh vật tư y tế để nâng giá mua các máy, thiết bị y tế thuộc gói thầu số 15 cho CDC Hà Nội trước khi thực hiện các quy trình, thủ tục chỉ định thầu thông thường; câu kết với bị cáo Nguyễn Trần Duy (Tổng Giám đốc, Thẩm định viên về giá, Công ty Cổ phần Định giá và bán đấu giá Nhân Thành) gian lận, hợp thức thủ tục thẩm định gói thầu số 15 theo đúng giá do CDC Hà Nội yêu cầu.
Sau đó, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm chỉ đạo và giao cho các nhân viên dưới quyền thuộc CDC Hà Nội hợp thức hóa toàn bộ quy trình chỉ định thầu thông thường để công ty MST trúng thầu theo đúng giá thỏa thuận từ trước, gây hậu quả thiệt hại cho Nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm có trách nhiệm chính trong việc mua sắm hàng hóa, thực hiện đấu thầu theo hình thức chỉ định thầu thông thường; đã lợi dụng tình hình dịch bệnh, vì động cơ vụ lợi trực tiếp thỏa thuận, thống nhất giá mua sắm các máy, thiết bị y tế với các bị cáo Nguyễn Ngọc Nhất, Nguyễn Thanh Tuyền, Đào Thế Vinh, ấn định mức giá gói thầu là 9,5 tỷ đồng trước khi thực hiện quy trình chỉ định thầu thông thường.
Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm trực tiếp ký hợp đồng cung cấp dịch vụ thẩm định giá với bị cáo Nguyễn Trần Duy để Duy giả mạo hồ sơ đấu thầu, chỉ định công ty MST trúng thầu trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng, gây dư luận xấu trong xã hội.