Cán bộ, đảng viên, nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều ý kiến đóng góp để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới hiệu quả hơn.
Củng cố niềm tin của nhân dân
Tiến sĩ Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên đánh giá, Hội nghị diễn ra trong bối cảnh công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực đang được thúc đẩy mạnh mẽ và đạt được những kết quả to lớn; được sự ủng hộ, đồng thuận, đồng tình của nhân dân, được cán bộ, đảng viên và nhân dân rất quan tâm, đặt nhiều kỳ vọng vào những bước đi, quyết tâm tiếp theo của Trung ương. Đây là hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, bàn về tổng kết những kết quả, kinh nghiệm liên quan đến một vấn đề trọng đại sống còn của chế độ, đó là "chống giặc nội xâm", với mục tiêu cao nhất là giữ gìn sự trong sạch, vững mạnh của Đảng và hệ thống chính trị; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta; hạn chế tối đa sự hao hụt các nguồn lực do tham nhũng, tiêu cực gây ra đối với đất nước. Với hội nghị này, sẽ một lần nữa củng cố sức mạnh của các thanh kiếm, lá chắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nâng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lên một bước tiến mới, có ý nghĩa thúc đẩy việc giải quyết những vụ việc nghiêm trọng, những lĩnh vực nóng, mới phát sinh, nổi cộm trong thực tế phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Tiến sỹ Nguyên Duy Thụy, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần to lớn làm trong sạch bộ máy, loại trừ những cán bộ tha hóa, biến chất, khẳng định quyết tâm chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cá nhân Tổng Bí thư đối với các thói hư, tật xấu tồn tại bấy lâu nay có ảnh hưởng đe dọa đến sự tồn vong của hệ thống chính trị, của chế độ. Cán bộ dù cấp cao đến mấy, một khi đã vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật, đã dính vào tham nhũng, tiêu cực đều bị phán xử theo các quy định của Đảng, của pháp luật, đều bình đẳng trước Hiến pháp và pháp luật. Nói như Tổng Bí thư lâu nay vẫn đề cập là “không có vùng cấm”.
Cái được lớn nhất là đã củng cố, giữ vững niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Qua công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không chỉ thu về những của cải, tài sản của nhà nước và nhân dân do tham nhũng, tiêu cực gây ra mà còn lấy lại niềm tin của nhân dân vào chế độ, vào Trung ương, vào hệ thống chính trị; tạo ra sự răn đe, làm gương cho các thế hệ cán bộ tiếp theo. Cùng với đó, tăng cường "sức đề kháng" cho hệ thống chính trị, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, tránh thế hệ cán bộ tiếp sau đi vào "vết xe đổ" của người đi trước.
Mặt khác, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng và Nhà nước ta đã và đang triển khai quyết liệt, bài bản đã phá vỡ tâm lý trong cán bộ, đảng viên là coi chống tham nhũng, tiêu cực là vấn đề nhạy cảm, ít được đề cập công khai. Thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực, đã tạo ra tâm lý quan tâm, ủng hộ và tham gia của cán bộ, nhân dân ở những vị trí, mức độ khác nhau.
Ông Lê Xuân Nghị, trú tại thôn 2, xã Ea Tar, huyện Cư Mgar phấn khởi trước những kết quả đạt được trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng và Nhà nước đang quyết liệt triển khai. Ông cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng và Nhà nước ta đang triển khai trong 10 năm qua có lợi rất nhiều cho nhân dân, trong việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Nhiều cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tham ô, tham nhũng đã bị phát hiện, xử lý nghiêm minh, ngày càng làm cho cơ quan của Đảng, Nhà nước trong sạch và làm việc hiệu lực, hiệu quả hơn. Cái được lớn nhất trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà là đã củng cố, giữ gìn được niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
“Nhân dân rất đồng thuận, ủng hộ công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Những vụ án, vụ việc, trong đó có nhiều vụ đại án được phát hiện điều tra, truy tố, xét xử, thu hồi tài sản tham nhũng đã làm nức lòng cán bộ, đảng viên và nhân dân trong cả nước. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tuy rất khó khăn, gian khổ, mất nhiều thời gian, cảm thấy đau lòng khi phải xử lý kỷ luật đồng chí, đồng đội, nhưng đó là việc tất yếu phải làm. Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là “giặc nội xâm””, ông Lê Xuân Nghị chia sẻ.
Hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng đã có những ý kiến đóng góp để công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới được hiệu quả hơn. Ông Y Khút Niê, nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho rằng, việc tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là việc làm hết sức ý nghĩa và rất kịp thời. Trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả khá tích cực. Ban Chỉ đạo Trung ương làm rất quyết liệt, không có vùng cấm và đã hoàn chỉnh từng bước các cơ chế, chính sách; quy định rất rõ những điều đảng viên không được làm. Kết quả đạt được đã tạo ra dư luận rất tốt, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đặc biệt là đối với cán bộ, đảng viên khi đương chức, đang làm nhiệm vụ.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, ông Y Khút Niê cho rằng, những kinh nghiệm đã làm được trong thời gian vừa qua cần phải được tiếp tục phát huy; đồng thời phải rà soát, xét lại các cơ chế, chính sách, những quy định của Đảng làm thế nào đó để người có chức có quyền không thể dám, không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng, đấy là vấn đề hết sức quan trọng. Hơn nữa, khi đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, nhất là cán bộ đứng đầu phải chọn người thực sự có uy tín, năng lực, trên cơ sở lấy ý kiến đánh giá của nhân dân nơi cư trú, nơi làm việc, để trên cơ sở đó đặt vị trí cán bộ đúng và trúng, cán bộ có tâm có tầm triển khai nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, nhất là người đứng đầu. Cùng với đó, cần phải xem xét một cách kỹ lưỡng đó là chính sách, đãi ngộ cho các cán bộ từng cấp, kể cả những người hưởng lương. Chính sách đãi ngộ tốt, đủ điều kiện để sống sẽ không nghĩ đến tham nhũng, không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng nữa. Ngoài ra, phải tăng cường việc kiểm tra, giám sát, phải xử lý nghiêm những người vi phạm, không có vùng cấm; việc xử lý chặt chẽ tạo nên cái gương, tạo một ràng buộc và khống chế...
Đồng quan điểm trên, Tiến sỹ Nguyên Duy Thụy, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên cho rằng, để công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới hiệu quả hơn, Trung ương cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, lấp kín các kẽ hở đã từng bị lợi dụng để tham nhũng, hoặc từ đó phát sinh tiêu cực; không tạo "đất màu mỡ" cho cán bộ có tư tưởng tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tiếp tục xử lý nghiêm, rốt ráo các vụ việc tham nhũng gây bức xúc trong nhân dân mà dư luận đề cập bấy lâu nay. Chỉ rõ vai trò của tổ chức, tập thể, cá nhân để nảy sinh tham nhũng, tiêu cực ở cơ quan, đơn vị mình phụ trách. Tiếp tục nâng cao công tác cán bộ, công tác giám sát của các cơ quan giám sát đối với cán bộ, công chức, sự giám sát của nhân dân đối với cán bộ và bộ máy chính quyền các cấp; sự phát hiện và cung cấp của người dân có ý nghĩa quan trọng trong phát giác các vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Nâng cao vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu bộ máy trong phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp tỉnh.
Đối với việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, Tiến sỹ Nguyễn Duy Thụy cho biết, đây là một quyết định đúng đắn của Tổng Bí thư và Bộ Chính trị. Bởi lẽ, bấy lâu nay, công tác phòng, chống tham nhũng chủ yếu tập trung vào các cơ quan Trung ương, được thực hiện chủ yếu bởi các cơ quan Trung ương; trong khi không ít địa phương vẫn cầm chừng, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Do vậy, công việc này cần có sự vào cuộc của cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương để giải quyết những phát sinh, nhũng nhiễu, tiêu cực ở địa phương mình.
Hơn nữa, tham nhũng, tiêu cực đã hiện diện trong nhiều ngành, cấp, trung ương lẫn địa phương, khu vực công lẫn khu vực tư, nếu chỉ cấp Trung ương sẽ làm không xuể, thậm chí quá sức so với yêu cầu đòi hỏi của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Do vậy, việc lập thêm Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp tỉnh sẽ giúp thực hiện tốt hơn công tác này.
Điều quan trọng là, với việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thấy sự có mặt của các bộ phận, cơ quan quan trọng nhất của mỗi tỉnh, mà đứng đầu là Bí thư Tỉnh ủy. Trách nhiệm nặng nề đặt lên vai Bí thư Tỉnh ủy với tư cách là người đứng đầu Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh, sẽ không có lý do gì không thực hiện tốt công tác này ngay tại các địa phương có hiện tượng tham nhũng, tiêu cực.