Hơn 1.000 bức ảnh, trang tư liệu về hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gồm khối tư liệu, hình ảnh quê hương, gia đình, cuộc đời và hành trình hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... cùng nhiều tư liệu, hình ảnh về các nhà chí sĩ yêu nước tiền bối được nhà văn Sơn Tùng lưu giữ hàng chục năm qua đã được con trai của nhà văn - ông Bùi Sơn Định trao tặng Trung tâm Lưu trữ quốc gia III sáng 9/3.
Bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) cho biết, khối tài liệu quý này có nhiều tấm ảnh liên quan đến sự kiện, hoạt động trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có nhiều tấm chưa bao giờ được công bố. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tiếp nhận khối tài liệu quý về cuộc đời, sự nghiệp và đời sống của nhà văn. Đây là lần thứ hai Trung tâm Lưu trữ quốc gia III được tiếp nhận khối tài liệu lớn của nhà văn Sơn Tùng.
Cảm ơn gia đình đã gửi gắm những tài liệu quý, bà Trần Việt Hoa cho biết, nhà văn Sơn Tùng đã dày công tìm kiếm những bằng chứng, tư liệu xác thực nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo. Nhiều bức ảnh rất quý, được gia đình sưu tầm trong nhiều năm, cất giữ cẩn thận.
Những tư liệu chân thực, sinh động, đa dạng cùng với những tác phẩm từ chính ngòi bút của nhà văn Sơn Tùng đã khắc họa cuộc đời, sự nghiệp của lãnh tụ kính yêu của dân tộc, những đóng góp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và là nguồn thông tin tin cậy, quý giá về các chặng đường lịch sử của dân tộc ở những góc nhìn chính trị, xã hội, lịch sử, văn hóa, có ý nghĩa nghiên cứu về cuộc đời, hoạt động, đóng góp của nhà văn với văn học nghệ thuật nước nhà và với công tác lưu trữ quốc gia, làm phong phú hơn thành phần Phông Lưu trữ quốc gia Việt Nam... Ông không chỉ là một thương binh nặng, một người có công với nước, mà còn là tấm gương về nhân cách và sự nỗ lực phi thường trong lao động.
Dẫn đánh giá của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước “nhà văn Sơn Tùng là nhà văn có uy tín nhất viết về Bác Hồ”, bà Trần Việt Hoa cho rằng, mỗi câu chuyện nhỏ trong tác phẩm Búp sen xanh giờ đây vẫn là tấm gương để mọi người học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Hiện khối tài liệu đã tạm thời được sắp xếp cơ bản theo quy định của công tác lưu trữ và thực hiện chế độ bảo quản nghiêm ngặt. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III sẽ thực hiện việc chỉnh lý, sắp xếp khoa học, số hóa dữ liệu ảnh để tránh tiếp xúc trực tiếp làm ảnh hưởng đến chất lượng bản gốc và giúp người dân có thể tra cứu nhanh nhất, dễ dàng nhất, phát huy có hiệu quả giá trị của các tài liệu này.
Chia sẻ về quyết định trao khối tài liệu quý của cha mình cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, ông Bùi Sơn Định cho biết, ông muốn giữ lại để làm nhà lưu niệm gia đình, nhưng vì tuổi đã cao, sẽ khó thực hiện được mong muốn, trong khi để có được khối tài liệu này là cả một quá trình gian truân, cha mẹ ông đã phải đổi cả bằng xương máu. Những người cung cấp tài liệu, tư liệu cho cha ông đều đã nằm xuống.
“Nếu không có mẹ tôi thì sự nghiệp này của cha tôi không có được, không thể viết được Búp sen xanh… Một người phụ nữ cả một đời hy sinh cho sự nghiệp của chồng”, ông nói.
Ông Bùi Sơn Định kể, hồi đó rất khó khăn, nên mẹ ông phải xin những tờ hóa đơn thanh toán đã viết một mặt, còn một mặt trắng phía sau, đóng lại thành tập để chồng viết bản thảo tác phẩm Búp sen xanh. Ông muốn gửi gắm những tài sản cha mẹ để lại cho mình, nhờ Trung tâm quản lý, bảo quản lưu giữ cho hậu thế. Tới đây, ông sẽ tiếp tục trao tặng bản thảo viết tay của tác phẩm Búp sen xanh.
Nhà văn Sơn Tùng tên thật là Bùi Sơn Tùng - Bí danh Ái Thanh. Bút danh Sơn Tùng, Sơn Phong. Ông sinh ngày 8/8/1928, tại làng Hoa Lũy (nay là xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), trong một gia đình nhà Nho nghèo yêu nước.
Nhà văn Sơn Tùng có 10 năm (1944-1954) hoạt động cách mạng ở quê nhà. Thời gian hoạt động ở tỉnh Đoàn Nghệ An, ông có may mắn gặp được bà Nguyễn Thị Thanh, ông Nguyễn Sinh Khiêm là chị và anh ruột Bác Hồ. Ngoài ra, ông còn được gặp cả người thân bên ngoại của Bác, do đó hiểu về những năm tháng tuổi thơ của Bác ở làng Chùa, làng Sen (Nam Đàn) và thời gian theo cha mẹ vào Huế (1895).
Cuối năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, Sơn Tùng ra Hà Nội công tác và học tập tại trường Đại học Nhân Dân, làm Bí thư Chi bộ sinh viên của Trường. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nhân Dân, ông được giữ lại làm trợ giảng của Trường, rồi làm giảng viên Khoa Báo chí Trung ương. Sau khi khoa giải thể nhập về trường Tuyên huấn Trung ương, ông về làm tại báo Nông nghiệp, tiền thân báo Nông nghiệp Việt Nam ngày nay, sau đó chuyển về báo Tiền Phong.
Năm 1965, phóng viên Sơn Tùng làm tổ trưởng, đặc phái viên thường trú báo Tiền Phong tại khu IV, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình và tuyến lửa Vĩnh Linh để đưa tin cho cả nước và thế giới biết về cuộc chiến tranh khốc liệt của giặc Mỹ ở Việt Nam.
Cuối năm 1967, ông xung phong vào chiến trường Đông Nam Bộ (B2) thành lập báo Thanh niên giải phóng thuộc Trung ương cục miền Nam. Ngày 15/4/1971, máy bay Mỹ bắn phá vào căn cứ mới sơ tán của Trung ương Cục, Sơn Tùng bị thương rất nặng do mảnh đạn M79 găm vào người. Ông bị 14 vết thương, 3 mảnh trong đầu không lấy ra được và 1 mảnh ở vai trái; bàn tay phải co quắp, chỉ có 2 ngón cử động được; mắt phải còn 1/10, phải đưa ra Bắc điều trị, mất 81% sức khỏe, nhà nước xếp hạng thương binh 1/4 và có người chăm nuôi suốt đời.
Sau khi kết thúc chiến tranh (1975), Bắc Nam thống nhất một nhà, ông cùng vợ là bà Phan Hồng Mai lặn lội vào Sài Gòn, Cao Lãnh, Phan Thiết, Huế tìm đến những nơi mà một thời Bác và gia đình Bác đã sống và làm việc để hỏi han, ghi chép lại những câu chuyện về Bác và gia đình...
Mặc dù bị thương tật, thị lực kém, ông vẫn luôn nhiệt huyết, viết, tìm gặp nhân chứng liên quan đến đề tài để viết. Ông đã viết rất nhiều tác phẩm về chủ đề Bác Hồ và các danh nhân, trong đó có 16 đầu sách viết về Bác Hồ, nổi bật là tác phẩm Búp Sen Xanh - cuốn sách nằm lòng của nhiều lớp thiếu niên và thế hệ người dân Việt Nam...
Cuối tháng 6/2010, nhà văn Sơn Tùng lâm bệnh nặng do vết thương sọ não tái phát làm chảy mãu não, liệt toàn thân. Hơn 10 năm năm bất động trên giường bệnh, ông không còn sáng tác được nữa. Ngày 22/7/2021 ông trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng trong ngõ Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội.
Ghi nhận công lao đóng góp của nhà văn Sơn Tùng về đề tài Hồ Chí Minh và danh nhân cách mạng thời kỳ cứu nước, nghị lực phi thường của một thương binh nặng, ngày 14/7/2011, Nhà nước phong tặng ông danh hiệu Anh hùng Lao động.
Sinh thời, ông đã gửi rất nhiều bản thảo, tác phẩm vào cơ quan lưu trữ quốc gia để các tác phẩm và những trang văn, nét chữ của ông còn mãi với thời gian, sẻ chia cùng độc giả và những người quan tâm. Ông là một trong những cá nhân từ rất sớm đã tin tưởng gửi gắm những đứa con tinh thần của mình vào cơ quan lưu trữ...