Trong các buổi làm việc với Đại sứ Dương Hải Hưng, lãnh đạo vùng Puglia và các thành phố trên cho biết Puglia đang có bước tăng trưởng tương đối nhanh tại khu vực miền Nam Italy trong những năm gần đây, với nhiều ngành kinh tế quan trọng như hàng không, tự động hóa, cơ khí, năng lượng tái tạo và kinh tế biển. Vùng Puglia đang ưu tiên đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực này. Trên nền tảng quan hệ hữu nghị vô cùng tốt đẹp giữa Việt Nam và Italy nói chung và vùng Puglia nói riêng, cùng các lợi ích, ưu tiên chung và nhiều thuận lợi mang tính bổ sung cao giữa hai bên trong nhiều lĩnh vực kinh tế, Đại sứ Dương Hải Hưng bày tỏ hy vọng rằng trong thời gian tới chính quyền và doanh nghiệp hai bên sẽ tăng cường hợp tác cụ thể hơn nữa.
Tại cuộc hội thảo Nâng cao nhận thức về Biển và Tầm nhìn Xanh đến năm 2030, với sự tham gia của đông đảo quan chức các bộ, ngành, doanh nghiệp, các trường đại học và viện nghiên cứu thuộc vùng Puglia và Italy, Đại sứ Dương Hải Hưng đánh giá cao việc vùng Puglia - một địa phương có tiềm năng dồi dào về biển - xây dựng và triển khai Tầm nhìn Xanh đến năm 2030, thể hiện một nỗ lực quan trọng, nhận thức và tầm nhìn dài hạn của chính quyền vùng, coi trọng phát triển kinh tế biển đi đôi với gìn giữ, phát triển mang tính lâu dài và bền vững.
Theo Đại sứ Dương Hải Hưng, cũng giống như Italy, Việt Nam luôn coi biển là "cái nôi của sự sống", là nhân tố hết sức quan trọng đảm bảo tính bền vững của quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260 km và hơn 3.000 hòn đảo, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; 28 tỉnh, thành ven biển của Việt Nam chiếm hơn 50% dân số cả nước và đóng góp hơn 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Đại sứ Dương Hải Hưng đã thông tin về một số lĩnh vực tiềm năng của kinh tế biển Việt Nam, như vị trí chiến lược trong các tuyến giao thông hàng hải quốc tế; ngư trường rộng lớn; tài nguyên sinh vật, khoáng sản và dầu khí phong phú, đa dạng; tài nguyên du lịch biển… Đại sứ cũng nhấn mạnh với quan điểm đẩy mạnh phát triển bền vững kinh tế biển, Việt Nam đã có những chủ trương, chính sách quan trọng với các văn kiện chính sách riêng cho mục tiêu phát triển kinh tế biển, với quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế biển”, phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển.
Trên cơ sở đó, Đại sứ Dương Hải Hưng cho biết Việt Nam ủng hộ các nỗ lực chung trong việc phát triển kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, thông qua các hoạt động hợp tác cụ thể với các đối tác, đặc biệt là Italy, đất nước có bờ biển dài và có nhiều tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển, trong đó có các địa phương như Puglia.
Đại sứ Dương Hải Hưng cũng chia sẻ một số lĩnh vực mà Việt Nam cùng vùng Puglia nói riêng và Italy nói chung có thể thúc đẩy hợp tác, gồm: khai thác bền vững công nghiệp dầu khí như hoạt động của tập đoàn dầu khí ENI tại Việt Nam; năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi; nuôi trồng và đánh bắt hải sản; phát triển du lịch biển, trong đó có các loại hình thể thao biển, như tổ chức giải đua thuyền máy nhà nghề quốc tế tại Việt Nam vừa được ký kết với đối tác Italy; xây dựng năng lực, chia sẻ kiến thức chuyên môn về quản lý hàng hải, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường biển...
Trong khi đó, bà Monica Calzetta - đại diện chính quyền vùng Puglia - cho biết mục tiêu của hội thảo là nhằm tăng cường nhận thức, thống nhất hành động để triển khai thực hiện hiệu quả Tầm nhìn Xanh đến năm 2030 mà vùng Puglia đã ban hành năm 2022, cũng như góp phần phát triển kinh tế biển xanh Italy một cách toàn diện và dài hạn. Hiện nay, một ưu tiên quan trọng của vùng Puglia là đẩy mạnh toàn diện nhận thức và năng lực kinh tế biển cho chính quyền các địa phương, các bộ, ngành, doanh nghiệp, lực lượng lao động.
Hội thảo Nâng cao nhận thức về Biển và Tầm nhìn Xanh đến năm 2030 được tổ chức bên lề Triển lãm Hàng hải Puglia (từ ngày 11-15/10), quy tụ sự tham gia của nhiều doanh nghiệp và bộ, ngành trong lĩnh vực hàng hải và đóng tàu, nghề cá, du lịch biển, thể thao biển và đào tạo về hàng hải của vùng Puglia nói riêng cũng như của Italy và quốc tế. Đây là triển lãm thường niên do Liên đoàn Giới chủ trong lĩnh vực hàng hải (Confindustria Nautica) của Italy phối hợp với vùng Puglia tổ chức, nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế vùng Puglia và miền Nam Italy. Kinh tế hàng hải Puglia chiếm 53% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng (trị giá 8,2 tỷ euro). Hiện có gần 18.000 doanh nghiệp với khoảng 72.400 lao động hoạt động trong lĩnh vực này.
Ngoài việc tham quan các gian hàng và trao đổi với một số doanh nghiệp tham gia Triển lãm Hàng hải, Đại sứ Dương Hải Hưng đã đi thăm trụ sở nhà máy sản xuất của công ty Isotta Fraschini Motori, thuộc tập đoàn Fincantieri, một trong những công ty hàng đầu tại châu Âu trong lĩnh vực sản xuất động cơ diesel cho cả các ứng dụng hàng hải, công nghiệp và quân sự.
Ngoài ra, Đại sứ Dương Hải Hưng cũng đã trao tặng cho vùng Puglia tuyển tập bao gồm 5 bộ phim điện ảnh đặc sắc của Việt Nam để quảng bá và thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa hai bên. Đại sứ cũng đã có cuộc gặp và trình bày về Việt Nam với đại diện các thành phần trí thức và doanh nghiệp thuộc câu lạc bộ Rotary của vùng Puglia.