Thương lấy đào rừng!

Có một thời, người Hà Nội ăn Tết không thể thiếu “món” đào Nhật Tân. Cành đào dáng tròn với những bông hoa kép màu hồng đậm đà mang mùa xuân đến với hầu khắp các gia đình ở Thủ đô. Nhưng giờ, đào Nhật Tân đã hiếm, đất Nhật Tân chỉ còn trồng đào tượng trưng. Lại thêm thị hiếu người dân thay đổi, nhiều người thích cái đẹp tự nhiên, hoang dã; thế là đào rừng lên ngôi.

Tiêu chuẩn thẩm mỹ, thú chơi của mỗi thời mỗi khác, đó là chuyện thường. Cho nên, chuyện đào rừng soán ngôi “hoa hậu” của đào vườn cũng chẳng có gì đáng nói. Chẳng có gì đáng nói, nếu như…đào rừng không kêu cứu.

Số là, trong thời buổi kinh tế thị trường, ngày càng nhiều đại gia muốn thể hiện “đẳng cấp” bằng những vật dụng tầm cỡ. Ai lên mạng cũng sẽ thấy tần suất xuất hiện của từ “khủng” ngày càng nhiều: Xe khủng, nhà khủng, thú chơi hàng khủng… Người ta khoe “đồ khủng” để chứng tỏ bản thân. Và mỗi khi Tết đến, những người có thú chơi hàng khủng càng có dịp trưng trổ.


Một trong những thứ dễ trưng trổ nhất, ấy là một cành đào rừng cực đẹp, cực lớn trong nhà. Đại gia nào có được cả cây đào rừng bày Tết nữa thì càng có “đẳng cấp”. Trong cuộc đua ấy, các đại gia thi nhau trả giá cao, cao nữa cho đào rừng. Với những người dân nghèo nơi sơn cước, khi mà bán cành đào rừng có thể mang lại món tiền bằng cả năm trồng ngô thì bà con “tích cực” đi tìm đào là chuyện dễ hiểu.


Hệ quả là đào rừng bị khai thác kiểu hủy diệt; nhiều cành đào to, thậm chí cả những cây đào cổ thụ, phải xa lìa nơi “chôn nhau cắt rốn” để về thành phố làm đẹp cho tư gia nào đó. Hệ quả là, miền rừng ngày càng hiếm đào. Giờ thì mới hiếm đào đẹp, vùng đào mới thưa thưa, nhưng ít năm nữa, với đà này ai dám chắc đào rừng không vào “sách đỏ”!

Năm nay miền Bắc rét đậm, hoa đào trồng trong vườn co ro, kém sắc. Nghe người ta kháo nhau tìm “đào rừng” rồi lại đôn đáo tìm “hàng khủng” mà như thấy “nước mắt hoa đào”. Chúng ta vẫn nói đến sự phát triển bền vững. Đó không phải là chuyện riêng của các ngành sản xuất, các doanh nghiệp. Ngay cả trong thú chơi cũng phải tính đến sự vững bền.


Nói ngay với cái thú đào rừng: Nhiều năm thiên nhiên mới chắt chiu nuôi dưỡng được một cây đào rừng cổ thụ, nhưng chỉ một lúc đào bới, chặt hạ là “báu vật của trời” ra đi. Đã đành “to đẹp”, nhưng cành đào vừa vừa hay nho nhỏ cũng có vẻ đẹp riêng của nó, người ta chẳng nói “nhỏ xinh” đó sao! Cho nên người chơi nên vừa lòng với những cành đào vừa phải, để dù cành bị chặt, cây đào vẫn có cơ sống cho xuân sau.

“Khủng” hay không, cành đào đều mang đến sắc xuân cho mọi nhà. Nếu người chơi chỉ chú tâm tìm nét xuân, yêu hoa chứ không phải mượn hoa để yêu bản thân mình thì đào rừng có thể phát triển để còn “cống hiến”.

Thương lấy đào rừng, suy cho cùng chính là vì lợi ích của chúng ta. Và chuyện không chỉ với đào rừng.

Hà Nguyễn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN