Thung lũng xanh trải dài nơi Bế Văn Đàn hy sinh năm xưa

Xã Mường Pồn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) là một trong 4 xã vùng ngoài lòng chảo Mường Thanh, nơi có di tích lịch sử Mường Pồn - hơn 65 năm trước là chiến trường ác liệt, gắn liền với sự hi sinh anh dũng của chiến sĩ liên lạc Bế Văn Đàn “lấy thân mình làm giá súng” để đồng đội dội đạn về phía quân thù.

Chú thích ảnh
Thu hoạch lúa trên cánh đồng Mường Thanh. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Nằm bên đèo Cò Chạy trên tuyến quốc lộ 12 nối tỉnh Điện Biên với tỉnh Lai Châu, xã Mường Pồn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) là một trong 4 xã vùng ngoài lòng chảo Mường Thanh, nơi có di tích lịch sử Mường Pồn - hơn 65 năm trước là chiến trường ác liệt, gắn liền với sự hi sinh anh dũng của chiến sĩ liên lạc Bế Văn Đàn “lấy thân mình làm giá súng” để đồng đội dội đạn về phía quân thù, bẻ gãy đợt phản kích, góp phần cùng đồng đội làm nên những chiến công vang dội. Hơn 65 năm qua đi, chiến trường Mường Pồn năm nào đã đổi thay, khoác lên mình một màu áo mới.

Từ các nguồn tư liệu của Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên), chúng tôi tiếp cận được lịch sử hào hùng gắn với mảnh đất Mường Pồn cách đây hơn 65 năm.

Thực hiện kế hoạch Na-va, ngày 20/11/1953, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Ba ngày sau, 6 tiểu đoàn nhảy dù với khoảng 4.500 lính đã có mặt tại Điện Biên Phủ hòng chặn bước tiến của Việt Minh. Đồng thời, Pháp cũng điều Binh đoàn cơ động số 2 tăng cường cho Thượng Lào và rút đơn vị Âu Phi ở Lai Châu về tăng cường cho Điện Biên Phủ. Thời điểm này, Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316) của ta đang hành quân lên Tây Bắc tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Vào ngày 7/12/1953, Bộ chỉ huy tiền phương của Bộ tổng Tư lệnh (lúc bấy giờ đặt Sở chỉ huy ở hang Thẩm Púa, km15 đường Tuần Giáo đi Điện Biên - nay là xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) ra lệnh cho Trung đoàn 174 (đang tập kết ở ngã ba Tuần Giáo) nhận nhiệm vụ tiêu diệt cánh quân địch từ Lai Châu về tăng cường cho Điện Biên. Ngay sau đó, Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316) và Tiểu đoàn 215 (Trung đoàn 98, Đại đoàn 316) hành quân về Nà Tấu xuyên rừng, vượt đỉnh Pu Thống chặn đánh địch ở Pu San (Mường Pồn).

Sáng 12/12/1953, Đại đội 674 (thuộc Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174) hành quân tới Mường Pồn thì phát hiện trong bản làng có nhiều quân địch từ Lai Châu rút về. Trước đó, trong 2 ngày 10/12 và 11/12/1953, chúng đã bị Đại đội 35 (Tiểu đoàn 215) của ta chặn đánh ở đèo Cò Chạy buộc phải quay lại Mường Pồn, gấp rút chuẩn bị phòng ngự chờ quân từ lòng chảo Điện Biên lên ứng cứu. Đại đội 674 của ta lập tức tiến hành áp sát, bao vây và nổ súng tiêu diệt địch. Quân địch thấy lực lượng của ta ít, lợi dụng có máy bay yểm trợ, chúng đã tung hỏa lực, kiên quyết đánh bật quân ta để mở đường rút về Điện Biên Phủ. Các chiến sĩ Đại đội 674 chiến đấu rất dũng cảm, kiên quyết siết chặt vòng vây, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch.

Chiến sĩ liên lạc Bế Văn Đàn mang lệnh của cấp trên đến cho Tiểu đội trưởng Chu Văn Pù, giữa lúc địch điên cuồng mở đợt tấn công. Trong trận quyết chiến này, chiến sĩ Bế Văn Đàn đã anh dũng hi sinh trong tư thế hiên ngang, hai tay giữ chặt chân súng trên vai cho đồng đội, Tiểu đội trưởng Chu Văn Pù tiêu diệt địch.

Chú thích ảnh
Lòng chảo Mường Thanh ngày nay. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Nơi anh hùng liệt sỹ Bế Văn Đàn ngã xuống giờ là chân ruộng bát ngát xanh giữa thung lũng. Bia ghi nhớ tên tuổi và chiến công của anh hùng Bế Văn Đàn uy nghiêm, trầm lặng giữa trùng điệp sóng lúa như một minh chứng về ý chí, tinh thần chiến đấu anh dũng của anh và đồng đội và để nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau về truyền thống lịch sử của cha ông.

Ông Lù Văn Mấng, Chủ tịch UBND xã Mường Pồn cho biết, xuất phát điểm là xã thuần nông, ngoài lòng chảo Mường Thanh, tỷ lệ hộ nghèo còn cao nhưng với quyết tâm đưa địa phương thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Mường Pồn đã tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên đến mọi tầng lớp nhân dân; tập trung chỉ đạo công tác sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế thích hợp với các loại giống có năng suất, sản lượng phù hợp với địa bàn; quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện các chương trình, dự án được đầu tư tại địa bàn; mở rộng khai hoang, tăng diện tích canh tác. 

Đến nay, Mường Pồn có tổng diện tích gieo trồng nông nghiệp đạt hơn 705ha, trong đó cây lương thực có hạt đạt hơn 565ha, cho tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt hơn 2.250 tấn, đưa bình quân lương thực đầu người đạt gần 440kg/năm. Cơ cấu cây lương thực của Mường Pồn cũng đa dạng với các loại cây trồng khác như: Ngô, sắn, đậu tương, lạc... Hiện, toàn xã có hơn 6.000 con gia súc các loại, gần 24.000 con gia cầm, gần 40ha diện tích nuôi trồng thủy sản.

Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân trong xã cũng ngày càng nâng lên. Đến nay, toàn xã có 6/12 thôn, bản được công nhận là bản làng văn hóa tiêu biểu, xây dựng được 8/12 đội văn hóa. Hiện, trên địa bàn xã đã có các trường: Trung học cơ sở, Tiểu học và Mầm non, đảm bảo việc con em đến tuổi ra lớp đều được đi học đầy đủ, thuận lợi. Xác định công tác xóa đói giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn nên những năm qua chính quyền xã Mường Pòn đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 29%.

Ông Lù Văn Mấng cho biết thêm: Là một trong 29 xã biên giới, những năm qua, chính quyền địa phương luôn phối hợp với Đồn biên phòng Mường Pồn xây dựng kế hoạch tuần tra, bảo vệ đường biên mốc giới, đảm bảo công tác an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững; tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc rộng khắp. Hưởng ứng phong trào này, người dân ở 12/12 thôn, bản đã ký cam kết thực hiện.

Hiện tại, Mường Pồn đã đạt được 8/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó có những tiêu chí quan trọng như: Quy hoạch, điện, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, cơ sở hạ tầng thương mại... đã tạo tiền đề quan trọng cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Trong năm 2019, khi hoàn tất các công trình thủy lợi ở bản Co Chạy 1; bê tông hóa đường giao thông ngõ xóm ở bản Co Chạy 2; hoàn thành nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng các bản Lĩnh 1, Lĩnh 2, nhà sinh hoạt cộng đồng các bản Mường Pồn 1, Mường Pồn 2..., diện mạo nông thôn của xã tiếp tục đổi thay, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để người dân phát triển kinh tế.

Tại bản Mường Pồn 1 có hơn 130 hộ dân với gần 620 nhân khẩu (100% là dân tộc Thái) sinh sống. Với kinh tế chủ lực chỉ từ trồng lúa, ngô và nuôi trồng thủy sản nhưng nhờ ý chí, động lực vươn lên thoát nghèo, mạnh dạn thay đổi cơ cấu kinh tế của người dân mà đời sống của bà con nơi đây ngày càng đổi thay, ấm no hơn. Trước đây nhiều năm, bản Mường Pồn 1 là một trong những địa bàn “nóng” về tệ nạn xã hội và vi phạm trật tự an ninh, khoảng 30% số hộ thuộc diện thiếu đói. Đến nay, cả bản chỉ còn 17% hộ nghèo, không còn hộ thiếu đói; hơn 20 mô hình kinh tế VAC đang phát huy tốt hiệu quả, cho thu nhập cao, ổn định. Bản làng cũng không có người mắc tệ nạn xã hội, tình hình an ninh trật tự ở bản luôn đảm bảo. Từ năm 2013 đến nay, bản liên tục được công nhận là “Bản văn hóa tiêu biểu”, là mô hình, điểm sáng cho các bản khác học tập.

Qua cây cầu treo bên dòng Nậm Pồn, chúng tôi vào trung tâm của bản Lĩnh 2, nơi có hơn 70 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu sinh sống trong những nếp nhà sàn truyền thống được xây dựng vững chãi, khang trang bên những rặng cây. Học sinh cười nói, nô đùa tại trường tiểu học số 2 Mường Pồn càng làm không gian bản bản làng thêm sinh động. Ông Lò Văn Lả, bản Lĩnh 2, xã Mường Pồn cho biết: Những năm qua, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi tập quán canh tác mà cuộc sống của người dân trong bản làng ấm no hơn.

Đến Mường Pồn hôm nay, khi vượt qua đèo Cò Chạy của tuyến đường huyết mạch là quốc lộ 12, trước mắt chúng tôi là cánh đồng trồng lúa 2 vụ xanh mướt, trải dài diện tích chạy dọc thung lũng lọt thỏm giữa dãy Pú Đồn và các diện tích rừng: Pa Hang và Pa Nát. Dọc hai bên tuyến quốc lộ 12 dài hàng chục km là những dãy nhà sàn truyền thống nằm san sát nhau của những bản làng.

Những năm qua, cùng với Đảng bộ, chính quyền địa phương, người dân các dân tộc Thái, Kinh, Mông, Khơ-mú nơi đây đã phát huy truyền thống lịch sử hào hùng của vùng căn cứ địa cách mạng, từng ngày ra sức, đoàn kết chung tay tập trung sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng bản làng ngày một đổi thay, tạo nên một sức bật mới, diện mạo mới cho cửa ngõ phía Bắc của thành phố Điện Biên Phủ.

Hải An - Văn Dũng (TTXVN)
Bác Hồ với Chiến dịch Điện Biên Phủ
Bác Hồ với Chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 trước hết là thắng lợi của đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn và sáng tạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã truyền cho các chiến sĩ ta một ý chí quyết chiến quyết thắng, một nghị lực, một sức mạnh phi thường, một niềm tin sắt đá để quân và dân ta vượt qua khó khăn, hiểm nguy giành thắng lợi hoàn toàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN