Thực hiện quyết liệt các biện pháp bảo đảm ATGT

Phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ hơn nữa các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố về công tác đảm bảo an toàn giao thông quý I/2012, diễn ra vào ngày 21/3.

Đánh giá về tình hình tai nạn giao thông, Phó Thủ tướng cho rằng, không có nước nào, dân tộc nào lại có số người chết vì tai nạn giao thông nhiều như nước ta. Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia: 2 tháng đầu năm 2012, toàn quốc xảy ra 1.940 vụ, làm chết trên 1.600 người, bị thương 1.480 người, giảm 48,24% về số vụ, 19,68% số người chết và 61,06% số người bị thương so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra 18 vụ, làm chết 47 người, bị thương 38 người, tăng cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh 34 tỉnh, thành phố giảm cả 3 tiêu chí thì vẫn còn một số tỉnh, thành phố có số người chết vì tai nạn giao thông tăng cao bất thường như Kon Tum (69,2%), Quảng Ngãi (46,2%), Long An (17%), Hậu Giang (10,5%), Thái Bình (10%)… Chỉ riêng nửa đầu tháng 3/2012, cả nước đã xảy ra 752 vụ tai nạn giao thông đường bộ và 39 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết gần 740 người, trong đó có 8 vụ tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 20 người, bị thương 7 người.

3 tháng qua, tình hình trật tự an toàn giao thông đã có những chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí là thành quả đáng phấn khởi, động viên các cấp, các ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm. Thời gian qua, nhiều địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp hay, sáng tạo để giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông như: Hà Nội bố trí lệch giờ làm việc, học tập, chấn chỉnh công tác trông giữ xe, quản lý vỉa hè, lòng đường; TP Hồ Chí Minh xây dựng các công trình giao thông tĩnh, phân tách làn ô tô - xe máy, tổ chức ký cam kết thi đua giữa thành phố - quận, huyện - xã, phường - nhân dân; Thái Bình với giải pháp làm sạch vỉa hè, lòng đường, tiến hành kiểm điểm ở chi bộ đối với đảng viên và người nhà đảng viên vi phạm an toàn giao thông, công khai danh tính người vi phạm… Tuy nhiên, Phó Thủ tướng khẳng định, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông vẫn còn nhiều bất cập, khuyết điểm, số vụ tai nạn, số người chết còn cao, thành công bước đầu chưa ổn định vững chắc, chưa căn bản.

Từ thực trạng trên, để đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết 13 của Quốc hội đề ra là giảm từ 5 đến 10% số vụ tai nạn giao thông mỗi năm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành phải nâng cao năng lực công tác cưỡng chế thi hành pháp luật bằng việc đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, nhất là khoảng thời gian từ 18 đến 24 giờ hàng ngày; kiên quyết xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm. Các tỉnh, thành nghiên cứu tổ chức lại giao thông trên địa bàn, đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông, nhất là công trình liên quan đến an toàn giao thông, các công trình vành đai, huyết mạch, trục giao thông hướng tâm, xử lý các điểm đen, lập lại hành lang giao thông đường sắt, đường bộ, xóa bỏ đường ngang dân sinh mở trái phép, tăng cường hệ thống cảnh giới tai nạn giao thông đường sắt.

Phó Thủ tướng nhất trí với đề xuất của các bộ, ngành, địa phương là cần tăng nặng mức xử phạt đối với các lỗi vi phạm, vi phạm lần thứ hai phải phạt nặng hơn lần thứ nhất, kịp thời truy tố những đối tượng vi phạm chống người thi hành công vụ và gây tai nạn nghiêm trọng, có chế độ thưởng đối với các địa phương làm tốt và phạt nghiêm minh đối với địa phương làm không tốt công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Phó Thủ tướng chỉ đạo tăng cường tuyên truyền pháp luật an toàn giao thông, văn hóa giao thông tới người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và những hình thức phù hợp khác.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải sớm ban hành quy định về phát hiện và xử lý “điểm đen” về tai nạn giao thông đường bộ; kiểm tra, giám sát việc đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, đình chỉ các cơ sở vi phạm; xây dựng Đề án hạn chế và lộ trình hạn chế mô tô, xe máy tham gia giao thông trên các đô thị lớn. Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng lộ trình quy định về thời gian giữ xe, xử phạt qua tài khoản ngân hàng, tất cả các chủ xe ô tô đều phải mở tài khoản ở ngân hàng. Bộ Công Thương kiểm tra, ngăn chặn ngay việc tổ chức sản xuất, lưu thông, buôn bán mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng, xử lý hình sự các tổ chức cá nhân vi phạm. Bộ Y tế ban hành ngay quy định phát hiện nồng độ cồn trong máu người điều khiển phương tiện; phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tổ chức cấp cứu tai nạn giao thông trên các tuyến đường cao tốc. UBND các tỉnh, thành phố, thủ trưởng các cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp ban hành quy định về văn hóa công sở, trong đó chú ý đến quy định không uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa, trước khi lái xe. Bộ Công an chỉ đạo điều tra, xử lý cương quyết những trường hợp chống người thi hành công vụ, đặc biệt là chống lại cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, truy tố xử lý hình sự các vụ chống người thi hành công vụ, tai nạn giao thông nghiêm trọng, không được bao che bênh vực những người gây tai nạn giao thông nghiêm trọng. Cán bộ vi phạm cũng phải coi như là một hành vi suy thoái…


Nhận định của các bộ, ngành, địa phương tại cuộc họp cho thấy số vụ tai nạn, số người chết và bị thương chủ yếu là do xe gắn máy gây ra và nguyên nhân chính vẫn là ý thức của người tham gia giao thông chưa tốt. Nhiều đề xuất, kiến nghị đã được đưa ra, trong đó tập trung chủ yếu vào các biện pháp huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, khắc phục các điểm dễ xảy ra tai nạn; tạm giữ thời gian dài hơn đối với các phương tiện vi phạm; tăng nặng mức xử phạt vi phạm hành chính cho đủ sức răn đe; quy định rõ niên hạn sử dụng đối với tất cả các loại xe.

Chu Thanh Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN