Quy trình soạn thảo luật pháp cần chuyên nghiệp hơn
Nhấn mạnh rằng báo cáo của Quốc hội rất toàn diện, đúng mực trên hai mặt thành công và tồn tại, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) nêu thực tế: Trong nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội đã thông qua 72 luật và rất nhiều nghị quyết. Tuy nhiên, trong 72 luật đó thì hơn 1/3 luật là sửa đổi và bổ sung. Con số đó cho thấy tuổi thọ của luật còn hạn chế. “Đã là luật thì phải mang tính ổn định, lâu dài. Có luật mới ban hành, chưa đi vào cuộc sống đã phải bổ sung, sửa đổi; một số luật khác lại chậm sửa đổi, chậm ban hành mà kỳ nào tiếp xúc cử tri cũng phản ánh như Luật Đất đai”, đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, quy trình soạn thảo luật pháp cần chuyên nghiệp hơn, cần huy động sự tham gia nhiều hơn của các chuyên gia và phải đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Công tác giám sát thực thi pháp luật cần được Quốc hội quan tâm hơn, tăng cường giám sát hơn. Ban hành luật xong chưa đủ, công tác triển khai, thực thi cũng cần được giám sát nghiêm túc.
Đặt vấn đề Quốc hội có giám sát việc Chính phủ hướng dẫn, quy định chi tiết sau khi luật được ban hành hay không, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng “có, nhưng còn ít, còn khiêm tốn. Quốc hội cần giám sát công tác ủy quyền lập pháp để các nghị định, thông tư phải phù hợp với thực tế cuộc sống”.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) khẳng định, báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội đã phân tích khá đầy đủ, thẳng thắn điểm mạnh, điểm còn tồn tại, nguyên nhân của những tồn tại đó và đưa ra các bài học kinh nghiệm khá sâu sắc để góp phần làm cho hoạt động trong thời gian tới tốt hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, Quốc hội cần quan tâm nghiên cứu thêm về vấn đề hậu giám sát một cách thiết thực, cụ thể với các tiêu chí định lượng rõ ràng, các chỉ số đo khả tín, tạo niềm tin vững chắc hơn cho cử tri với công tác giám sát của Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan cũng đề nghị Quốc hội nên định hướng tăng cường cân đối thêm thời lượng và phân bổ thêm thời gian để thảo luận trên nghị trường Quốc hội cho các vấn đề quan trọng của đất nước ở tầm vĩ mô, tầm quốc gia, các mô hình tăng trưởng, các chính sách đối nội, đối ngoại của đất nước, các vấn đề cạnh tranh kinh tế, tài chính, địa chính trị, các vấn đề mang tính chiến lược, quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh. “Đây là vấn đề rất quan trọng đối với một quốc gia, một dân tộc”, đại biểu Nguyễn Thị Lan bày tỏ.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đánh giá cao việc Quốc hội khóa XIV đã chú trọng hơn cho nhiệm vụ giám sát văn bản quy phạm pháp luật. “Trải qua một nhiệm kỳ hoạt động, với việc chấp hành nghiêm sự lãnh đạo của Đảng và tuân thủ sự giám sát của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội thì nhiều việc khó đã có những chuyển biến tích cực”, đại biểu ghi nhận.
Để tiếp tục phát huy những thành tựu, đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tăng cường hơn nữa việc giám sát lĩnh vực tư pháp để cùng với các cơ quan công tác thực hiện tốt mục tiêu không để xảy ra oan, sai và không để xảy ra bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật. Các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong quá trình giám sát lĩnh vực tư pháp cùng với việc chỉ ra những hạn chế, tồn tại thì cũng cần quan tâm hơn đến những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan tư pháp để kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ để giúp các cơ quan này hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ.
Để lại nền tảng vững chãi cho nhân dân
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đã có 25 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, không khí diễn ra thẳng thắn, trách nhiệm và đầy cảm xúc. Các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ sự thống nhất cao với dự thảo Báo cáo nhiệm kỳ của Quốc hội cũng như Báo cáo công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.
Các báo cáo đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, bố cục chặt chẽ, mạch lạc, đánh giá bao quát, sâu sắc và toàn diện về tổ chức và hoạt động trong nhiệm kỳ, nhất là về các thành tựu nổi bật; đồng thời, chỉ rõ hạn chế tồn tại, nguyên nhân và tiếp tục làm sâu sắc thêm các bài học kinh nghiệm cũng như đưa ra các kiến nghị thiết thực, cụ thể gửi gắm cho Quốc hội khóa XV và khóa sau nghiên cứu để tiếp tục đổi mới, cải tiến nhằm phát huy hơn nữa thành tựu đạt được cũng như khắc phục những hạn chế, tồn tại của khóa XIV để ngày càng hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, qua thảo luận, các ý kiến nhất trí cho rằng Quốc hội khóa XIV là nhiệm kỳ thành công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với những thành tựu và dấu ấn nổi bật, tiếp tục gần dân, sát dân, có nhiều đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước cũng như hoạt động ngoại giao nghị viện. Các cơ quan của Quốc hội đã nỗ lực đoàn kết, đổi mới, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan hữu quan hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các đại biểu Quốc hội đã luôn thể hiện bản lĩnh, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân, lắng nghe, phản ánh đầy đủ, kịp thời ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phát huy trí tuệ đóng góp vào thành công chung của Quốc hội.
“Chúng ta có quyền tự hào vì những đóng góp của chúng ta, từng đại biểu Quốc hội, từng Đoàn đại biểu Quốc hội, từng cơ quan của Quốc hội đã thực hiện đúng lời hứa với cử tri, đó là chúng ta hành động vì lợi ích của nhân dân, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc. Quốc hội khóa XIV đã để lại một nền tảng vững chãi cho khóa XV và các khóa tiếp theo”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.