Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, trong năm 2023, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh và phát huy trên nhiều lĩnh vực, góp phần huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước.
Năm 2023, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, thông qua 16 luật, 29 nghị quyết, cho ý kiến đối với 10 dự án luật. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 92 nghị định, 264 nghị quyết, 34 quyết định quy phạm pháp luật, 32 chỉ thị; các bộ, ngành đã ban hành 372 thông tư; các địa phương đã ban hành 8.066 văn bản quy phạm pháp luật nhằm tập trung đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, tháo gỡ vướng mắc.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng thẳng thắn cho biết tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để.
Công tác điều hành chi ngân sách Nhà nước được thực hiện chủ động, chặt chẽ theo dự toán, đảm bảo đúng chính sách, chế độ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa cần thiết, chậm triển khai. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2023 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 83 nghìn tỷ đồng.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương năm 2023 tiếp tục chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công tiếp tục được cập nhật, vận hành có hiệu quả. Cải cách thể chế về đầu tư công tiếp tục được quan tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi); các địa phương cơ bản hoàn thành việc phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện; cả nước đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt trên 23,6 triệu ha (chiếm tỷ lệ 97,6% diện tích cần cấp); ngành Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, xử lý 172 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, với diện tích 6.922 ha. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 là 42,02%, lần đầu tiên Việt Nam bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về 1.200 tỷ đồng...
Đánh giá chung về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng, tích cực trên các lĩnh vực góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội.
Báo cáo kết quả thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ. Báo cáo đã thể hiện khái quát, toàn diện các nội dung theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các phụ lục thống kê khá đầy đủ, chi tiết. Nhận thức, trách nhiệm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được cải thiện, công tác hoàn thiện thể chế, ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tích cực, chủ động, thể hiện tính kế thừa và phát triển.
Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, ông Lê Quang Mạnh lưu ý công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
Công tác hoàn thiện thể chế còn có những tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục. Một số bộ, ngành chưa thực hiện đúng kế hoạch lập pháp, còn tình trạng chậm đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh tiếp tục diễn ra...
Tình trạng chậm phân bổ ngân sách, đặc biệt là phân bổ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2022 đến gần cuối năm mới được thực hiện. Chi chuyển nguồn còn lớn, chậm được khắc phục, gây lãng phí và giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại một số bộ, ngành, địa phương chậm do nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra trong các báo cáo, trong nhiều năm vừa qua, nhưng chưa có giải pháp kiên quyết và biện pháp khắc phục triệt để, hữu hiệu. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 cho thấy 91/115 bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân cả nước, có đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn. Việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục chậm, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình; tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách Trung ương, nhất là kinh phí sự nghiệp thấp.
Báo cáo thẩm tra cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên; tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước; quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Trên cơ sở những kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế được chỉ ra, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ tăng cường các biện pháp tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị và chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; tập trung giải quyết kiến nghị của cử tri về siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.