Về các mục tiêu Quốc hội giao trong năm nay, phát biểu tại phiên họp, nhiều chuyên gia chung quan điểm trước mắt chưa nên điều chỉnh các mục tiêu này, trong đó có mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Muốn như vậy, thái độ quyết liệt trong chống dịch cần tiếp tục được phát huy, bởi khó khăn hiện nay chính là do COVID-19 gây nên. Việc kiểm soát dịch bệnh không chỉ có ý nghĩa trong kiểm soát dịch, mà còn có ý nghĩa củng cố niềm tin của nhân dân, của quốc tế, đặc biệt là nhà đầu tư, qua đó thực hiện được mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra.
Các ý kiến cho rằng, cần hết sức lưu ý kiểm soát lạm phát trong bối cảnh dịch bệnh, dù muốn tăng trưởng đạt mục tiêu. Nhiều chuyên gia đề nghị không điều chỉnh gì nhiều đối với chính sách tiền tệ, thay vào đó cần triệt để tận dụng chính sách tài khóa còn nhiều dư địa. Cùng với đó là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đầu tư cho y tế, giáo dục, môi trường. Đây là thời điểm “vàng”, một mũi tên trúng hai đích, vừa kiểm soát dịch bệnh về lâu dài, vừa tạo niềm tin của nhân dân.
Đối với thị trường nhập khẩu, cần tích cực xuất khẩu sang EU sau Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), thay vì tập trung vào một số thị trường. Việc đa dạng hóa thị trường cần thực hiện với cả hàng hóa nhập khẩu, bởi hiện nay tỷ lệ nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc của các doanh nghiệp khá lớn.
Tại phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là không nôn nóng thắt chặt quá chính sách tiền tệ, nhưng không chủ quan. Đến nay, nếu xử lý tốt giá một số mặt hàng, như thịt lợn, sẽ giảm áp lực lên lạm phát. Ngân hàng Nhà nước cũng tán thành quan điểm của các chuyên gia là chưa vội vàng có các gói tín dụng hỗ trợ, mà cần có các giải pháp khác, như không chuyển nhóm nợ do tác động của dịch bệnh, giãn, hoãn nợ, cho vay mới, giảm lãi suất...
Về giá vàng tăng đột biến vừa qua, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, đây hoàn toàn là yếu tố tâm lý. Hiện vàng không còn là mặt hàng có thể tác động đến các cân đối lớn của vĩ mô, kể cả với tỷ giá. Nếu có bất ổn, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng có giải pháp can thiệp và hoàn toàn can thiệp được.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến các tổ chức như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đánh giá kinh tế nhiều nước sụt giảm, trong đó nhiều nước có quan hệ kinh tế, thương mại chặt chẽ với Việt Nam, khiến không ít chuỗi sản xuất, thương mại bị đứt gãy.
Trước bối cảnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề: Cần có loại vaccine chữa trị căn bệnh sụt giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam để đạt được mục tiêu kép, đó là ưu tiên ngăn ngừa COVID-19 lây lan, để không ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân, đồng thời giữ được nhịp độ phát triển của kinh tế Việt Nam.
Thủ tướng đánh giá cao các chuyên gia nêu nhiều ý kiến tâm huyết, sắc sảo và có cơ sở khoa học; cho rằng đây là dữ liệu đầu vào quan trọng để Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đưa ra các quyết sách điều hành kinh tế-xã hội trong bối cảnh đang có nhiều khó khăn, nhất là tác động của dịch COVID-19.
Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước tập trung các ý kiến, có báo cáo tóm tắt để đưa ra thảo luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến, xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng về hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển.
Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ đang triển khai thực hiện mục tiêu kép là không để dịch COVID-19 lây lan, đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân là quan trọng nhất, tiếp theo là thực hiện các mục tiêu Quốc hội giao. Trong khó khăn phải quyết liệt vượt qua, cải cách mạnh mẽ, đồng bộ, phải đồng tâm, hiệp lực, với một niềm tin Việt Nam, một sức mạnh Việt Nam để đưa đất nước tiến lên. Thủ tướng khẳng định, chưa có cơ sở để điều chỉnh tăng trưởng, chưa có cơ sở để điều chỉnh mục tiêu vĩ mô.
Thủ tướng nhấn mạnh, không bi quan nhưng không chủ quan, cần quyết liệt chống dịch, nỗ lực vượt khó, tập trung sản xuất kinh doanh, đảm bảo các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra. Các ngành, địa phương phải có kịch bản triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh COVID-19; tăng cường phân tích, dự báo để ứng phó với các tác động từ bên ngoài. Những vấn đề này phải được thể hiện trong Chỉ thị mà Thủ tướng sẽ ban hành.
Thủ tướng nêu những vấn đề cốt lõi mà Hội đồng đề xuất. Theo đó, Hội đồng thống nhất cần tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo cân đối lớn cho nền kinh tế, tạo nền tảng cho phát triển bền vững. Thực hiện các biện pháp đảm bảo hàng hóa sản xuất dồi dào, cơ chế lưu thông thông thoáng, thị trường sôi động hơn, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, coi trọng xuất khẩu, đẩy mạnh nội nhu, đặc biệt là đầu tư công và đầu tư xã hội. Năm nay, đầu tư trực tiếp nước ngoài rất lớn; cần thúc đẩy đầu tư trong nước.
Hội đồng kiến nghị cần tiếp tục giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với các công trình trọng điểm quốc gia; giải tỏa các dự án bất động sản tại các đô thị lớn đang bế tắc, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, đối tượng chịu tác động của dịch bệnh, khơi thông vốn tín dụng, ưu tiên vốn cho các dự án năng lượng, cơ sở hạ tầng, chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin.
Hội đồng kiến nghị các cấp, các ngành tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung chống virus trì trệ trong phát triển. Nhiều ý kiến nhấn mạnh, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch COVID-19, đẩy mạnh công tác truyền thông, giảm những thông tin sai sự thật, ảnh hưởng tâm lý người dân và gây tiêu cực cho xã hội.