Khuyến khích hợp tác công - tư trong phát triển giao thông
Tiếp ông Trần Vân - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị và các lãnh đạo Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (China Railway), Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao hoạt động đầu tư kinh doanh, hiệu quả, bền vững của China Railway trên toàn cầu, với 381 chi nhánh tại 105 quốc gia, tổng doanh thu năm 2022 đạt 1.150 tỷ Nhân dân tệ.
Ông Trần Vân và lãnh đạo Tập đoàn China Railway cho biết Tập đoàn đang là tổng thầu thi công một số dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và các dự án điện gió ở Đắc Nông, nhà máy sản xuất lốp ở Tiền Giang...; mong muốn tham gia đầu tư xây dựng các dự án giao thông tại Việt Nam như đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và đường sắt đô thị Hà Nội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam xác định phát triển kết cấu hạ tầng là một trong những trụ cột phát triển của thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để phát triển hệ thống hạ tầng, Việt Nam đẩy mạnh hợp tác công - tư; đồng thời thực hiện cơ chế Trung ương và địa phương cùng thực hiện trên nguyên tắc dự án tại tỉnh nào thì địa phương đó phải bố trí vốn và giải phóng mặt bằng, Nhà nước hỗ trợ kinh phí vốn mồi.
Trong đó, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc bao gồm tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông; cao tốc khu vực đồng bằng sông Cửu Long; cùng với đó phấn đấu hoàn thành Giai đoạn 1 Cảng hàng không quốc tế Long Thành và hoàn thiện toàn bộ 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau…
Việt Nam có kế hoạch xây dựng các tuyến đường sắt như: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, với chiều dài khoảng 388 km, tổng mức đầu tư 11 tỷ USD; Vũng Áng - Lào, đoạn trên địa phận Việt Nam là 103 km, tổng mức đầu tư 1,6 tỷ USD; tuyến Hà Nội - Hồ Chí Minh có chiều dài khoảng 1.545 km, tổng mức đầu tư khoảng 62 tỷ USD.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh các doanh nghiệp Trung Quốc nói chung và China Railway nói riêng mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp, Nhà nước”, góp phần vun đắp quan hệ Việt Nam - Trung Quốc ngày càng thực chất, hiệu quả; đề nghị Tập đoàn tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các Bộ và địa phương liên quan của Việt Nam để phát triển những dự án mới tại Việt Nam, trong đó có tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng kết nối hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng.
Việt Nam ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo
Trong buổi tiếp của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Lãnh đạo Tập đoàn xây dựng điện lực Trung Quốc (Power China) - doanh nghiệp đứng thứ 100 trong danh sách Fortune Global 500 và xếp ở vị trí 29/500 doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc năm 2022, ông Vương Tiểu Quân - Phó Tổng Giám đốc Power China cho biết Tập đoàn từng tham gia xây dựng các dự án thuỷ điện Lai Châu, Sơn La; Trung tâm nhiệt điện duyên hải Vĩnh Tân… Power China mong muốn tiếp tục đầu tư vào các dự án điện và xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao hoạt động đầu tư kinh doanh, hiệu quả, bền vững của Power China; hoan nghênh kế hoạch mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam của Tập đoàn trong thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc nói chung và Power China nói riêng; hoan nghênh và ghi nhận Tập đoàn tiếp tục quan tâm và mở rộng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam, đặc biệt là triển khai các dự án điện gió và điện khí LNG.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam vừa qua đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), trong đó có định hướng phát triển nguồn điện gió và điện khí LNG; cho rằng các nguồn điện tái tạo, nhất là điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi sẽ phát triển mạnh mẽ, trở thành nền tảng cho đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam trong dài hạn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Power China nghiên cứu hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam. Trong đó có sự tham gia 1 trong 3 đột phá chiến lược của Việt Nam là hạ tầng, cụ thể là nghiên cứu hợp tác đầu tư các tuyến đường sắt kết nối Trung Quốc - Quảng Ninh - Hải Phòng; Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng… trên tinh thần “đã nói là làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện phải có kết quả thực tế”.