Cùng dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo các bộ, ngành; lãnh đạo các địa phương tại gần 100 điểm cầu trên toàn quốc.
12 chỉ tiêu đạt và vượt
Sau 10 năm thực hiện, Đề án An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020” đã đạt được nhiều kết quả tích cực. 12 chỉ tiêu đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra, trong đó đáng chú ý điện tích đất lúa cả nước năm 2018 đạt trên 4,159 triệu ha (vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết là 3,76 triệu ha); sản lượng lúa năm 2019 đạt 43,4 triệu tấn (vượt mục tiêu đề ra 41 - 43 triệu tấn); xuất khẩu gạo năm 2019 đạt 6,34 triệu tấn (vượt mục tiêu đề ra 4 triệu tấn).
Giai đoạn 2009-2019, thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng 4,3 lần, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần xuống còn 1,8 lần.
Nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá cao (đạt 2,61%/năm). Năng suất lúa của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á đạt 5,6 tấn/ha, gần gấp đôi so với Thái Lan và gấp 1,5 lần so với Ấn Độ; năng suất cà phê cao gấp 1,5 lần so với Brazil, gấp 3 lần so với Colombia, Indonesia; năng suất hồ tiêu gấp 3 lần so với Indonesia và 1,3 lần của Ấn Độ; năng suất cá tra bình quân đạt 209 tấn/ha, cao nhất thế giới...
Xuất khẩu hàng nông sản được tiếp tục đẩy mạnh, có 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm, bình quân mỗi năm xuất khẩu khoảng 5 - 7 triệu tấn gạo. Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được đầu tư phát triển; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo.
"Phi nông bất ổn”
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc tập trung chỉ đạo chống dịch COVID-19 đang lây lan toàn cầu, với số ca nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam gia tăng. Đi liền với đó, là thực hiện nhiệm vụ kép vừa phải chống dịch tốt, vừa phải giữ ổn định đời sống nhân dân, giữ nhịp độ sản xuất cũng như các lĩnh vực xã hội khác.
Trong tình hình quốc tế và biến đổi khí hậu, an ninh lương thực không chỉ là vấn đề trước mắt mà còn là vấn đề lâu dài, chiến lược. Lương thực là mặt hàng thiết yếu, là nhu cầu ổn định trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thủ tướng nhắc lại sự việc vừa qua khi xuất hiệu ca nhiễm COVID-19, người dân mua lương thực, mì tôm dự trữ, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo các công ty lương thực bảo đảm cung ứng, mở cửa bán lương thực đến 23h đêm cho người dân. Qua đó, nhiệm vụ dự trữ lương thực, ổn định trong mọi điều kiện là rất quan trọng, Thủ tướng nói và nhấn mạnh an ninh lương thực luôn luôn và mãi mãi là vấn đề hết sức hệ trọng đối với mọi quốc gia, nhất là trong điều kiện bất ổn chính trị, an ninh phi truyền thống, dịch bệnh xảy ra trên thế giới đúng như câu nói “phi nông bất ổn”.
Đánh giá kết quả 10 năm triển khai Đề án, Thủ tướng nêu rõ, hiện cả nước không còn hộ thiếu đói, thiếu lương thực, đảm bảo cân đối lương thực. Sản xuất tăng trưởng nhanh, ổn định, đa dạng; đã tạo ra khối lượng lương thực, thực phẩm cơ bản đáp ứng cho nhu cầu nhân dân. Trên địa bàn cả nước đã có nhiều giải pháp hiệu quả về khoa học công nghệ trong nông nghiệp, phát triển thiết chế hạ tầng thuỷ lợi, nguồn nhân lực, nhất là năng lực ứng phó biến đổi thiên tai. Do đó trong hoàn cảnh biến động bởi thiên tai, dịch bệnh vẫn đảm bảo cho cân đối sản phẩm nông nghiệp.
Tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam chỉ còn dưới 4 % là minh chứng thể hiện sự ưu việt của chế độ, Thủ tướng nói và nhận xét, sau 10 năm thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đã tăng trưởng đáp ứng căn bản nhu cầu của nhân dân, nhu cầu xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu đối phó với những biến động của thiên tai, dịch bệnh, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo.
Năng suất lao động vẫn là điểm yếu của kinh tế nông nghiệp
Đề cập đến những hạn chế cần khắc phục, Thủ tướng chỉ rõ, sự hạn chế trong khâu liên kết sản xuất chuỗi gắn với vùng sản xuất, với chế biến, tổ chức thị trường. Vấn đề này còn yếu trên tất cả các ngành hàng, nhất là khâu chế biến nông sản và hình thành vùng sản xuất tập trung. Do đó, giá trị sản xuất nông sản và tiêu thụ lâm vào tình trạng bấp bênh kéo dài. Bên cạnh đó, năng suất lao động vẫn là điểm yếu của kinh tế nông nghiệp do sản xuất quy mô nhỏ, manh mún. Việc ứng dụng cơ giới hoá ,tự động hoá, thành tựu cách mạng 4.0 trong nông nghiệp chưa đạt yêu cầu đề ra. Không chỉ có vậy, việc phát triển thiết chế hạ tầng, hình thức sản phẩm chưa đạt yêu cầu, giá thành cao nên chưa thúc đẩy được phát triển. Vẫn còn tình trạng lãng phí trước, trong và sau thu hoạch.
Thủ tướng cũng chỉ rõ sự hạn chế trong năng lực ứng phó trước những biến động truyền thống và phi truyền thống của biến đổi khí hậu.
Đảm bảo an ninh lương thực vững chắc trong mọi tình huống
Về quan điểm triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần: "Phải đảm bảo an ninh lương thực một cách vững chắc trong mọi tình huống".
Đi liền với đó là phải phân định rõ ràng diện tích trồng lúa và sản lượng lương thực hằng năm, tăng cường kho dự trữ, không chạy theo thị trường. Gắn phát triển nông nghiệp với sự phát triển, tái cấu trúc nền kinh tế theo quy luật phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục tái cơ cấu lại nông nghiệp để tìm phương án tối ưu nâng cao năng suất trong phạm vi quốc gia.
Chỉ rõ những mục tiêu quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh lương thực, Thủ tướng đưa ra yêu cầu trước hết là đáp ứng thoả mãn nhu cầu dinh dưỡng, cơ cấu thực phẩm hợp lý, khoa học trong từng giai đoạn, kể cả lượng và chất, tương ứng với quy mô dân số cả nước đến năm 2030. Thúc đẩy tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 9 đến 10 %. Rà soát tài nguyên đất đai, phát huy lợi thế từng vùng, tăng thêm diện tích che phủ rừng.
Thủ tướng cũng chỉ đạo đẩy nhanh và phổ cập nhóm thực phẩm hữu cơ; tăng cường công tác quản trị liên kết giữa hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Thủ tướng cũng cho biết trung ương sắp tới sẽ ban hành chủ trương thúc đẩy các biện pháp khoa học công nghệ nhằm đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp và an ninh lương thực. Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu ý kiến các nhà khoa học để hoàn thiện, thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ trong nông nghiệp; đặc biệt ưu tiên công tác chọn giống, tạo giống để có các giống mới có tiềm năng kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển nguồn nguyên liệu chế biến, tiêu thụ đặc biệt.
Thủ tướng cũng đề nghị tăng cường huy động nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp với sự tham gia của cả Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân.
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Văn phòng Chính phủ xây dựng một nghị quyết mới của Chính phủ để phù hợp hơn với tình hình mới trong lĩnh vực nông nghiệp và an ninh lương thực.