Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Sau một ngày chủ trì Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, ngay trong tối 27/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ đã rời thành phố Cần Thơ, di chuyển về thành phố Vị Thanh và có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hậu Giang - một trong những trung tâm lúa gạo của miền Tây Nam Bộ nhưng cũng là một trong 4 tỉnh khó khăn nhất của Đồng bằng Sông Cửu Long.
Buổi làm việc diễn ra ngay trước thềm Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang diễn ra vào sáng 28/9.
Sản xuất nông nghiệp vẫn là thế mạnh chủ đạo của Hậu Giang, 9 tháng đầu năm 2017, mặc dù trong bối cảnh thời tiết không thuận lợi, giá nông sản bấp bênh nhưng với sự quyết tâm của chính quyền và người nông dân, kinh tế nông nghiệp trên địa bàn vẫn tăng trưởng. Thời gian này, tỉnh thu ngân sách đạt 4.933 tỷ đồng, đạt 76% dự toán.
Bên cạnh nguồn lực còn yếu cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, những khó khăn của Hậu Giang còn ở nguồn vốn triển khai thực hiện quy hoạch Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội của tỉnh cũng còn hạn chế do xuất phát điểm thấp; chưa đáp ứng yêu cầu dịch vụ xã hội cơ bản. Hậu Giang còn 3 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm, hệ thống giao thông đường bộ chưa kết nối các vùng trong tỉnh và các địa phương lân cận.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, là một địa phương có xuất phát điểm thấp, Hậu Giang là một tỉnh nghèo, còn nhận trợ cấp ngân sách trung ương. Tuy nhiên, tỉnh cũng đã có nhiều cố gắng trong triển khai kế hoạch phát triển, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn không ngừng được cải thiện. Tỉnh cũng đã phát huy vai trò trung tâm lúa gạo của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; xây dựng được một số vùng lúa chất lượng cao, mía, cây ăn trái đặc sản và hình thành được một số thương hiệu sản phẩm có uy tín. Nhiều hộ gia đình trong tỉnh có mô hình kinh tế nông nghiệp tốt.
Hậu Giang cũng đang quyết liệt chỉ đạo nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo. Công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt, cao hơn mức bình quân chung của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Dịch vụ, du lịch tăng trưởng khá, lượng du khách tăng mạnh. Những kết quả này là cố gắng quan trọng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, Thủ tướng nhận định.
Phân tích một số khó khăn thách thức của Hậu Giang, Thủ tướng cho rằng tỉnh phải đối mặt với vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu; cơ cấu nông thôn chuyển dịch chậm, tỷ lệ cơ cấu công nghiệp thấp; số lượng doanh nghiệp trên địa bàn còn quá nhỏ, bằng 1/3 trung bình cả nước với quy mô còn khiêm tốn. Hạ tầng của tỉnh còn thiếu và yếu, vẫn còn có xã chưa có đường ô tô đến trung tâm.
Hậu Giang cũng như nhiều tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đều có chỉ số phát triển xã hội thấp, dưới trung bình cả nước. Nguy cơ giảm nghèo chưa bền vững, tái nghèo cao. Một số mục tiêu, nhiệm vụ của 2017 như tăng trưởng GDP, thu ngân sách và môi trường là những chỉ tiêu tỉnh phải cố gắng vượt bậc mới có thể hoàn thành, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng biểu trưng “Trống đồng Ngọc Lũ” cho tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Về những giải pháp thời gian tới, Thủ tướng tán thành Hậu Giang phấn đấu tiếp tục đổi mới, sáng tạo, năng động hơn nữa trong phát triển dựa vào tiềm năng, lợi thế của địa phương theo hướng phát triển kinh tế đa chức năng, nông nghiệp thông minh, công nghiệp chế biến, phục vụ nông nghiệp và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới. Tỉnh cũng cần chú ý xây dựng và phổ biến trong các hộ nông dân hệ thống tiêu chuẩn về nông nghiệp sạch, an toàn.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị Hậu Giang căn cứ vào quy hoạch toàn vùng để tiếp tục hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất, nhất là diện tích trồng lúa, nuôi trồng thủy sản, khai thác hạ tầng nước ngầm sao cho bảo vệ, gìn giữ tốt môi trường đất.