Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16 – 17/6/2014.Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte gặp gỡ báo chí. Ảnh: Đức Tám – TTXVN |
Chiều 16/6, ngay sau Lễ đón được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Mark Rutte, trao đổi những biện pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Mark Rutte và các thành viên trong Đoàn thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hà Lan, coi đây là sự kiện quan trọng, góp phần đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thiết thực.
Hai Thủ tướng đã thông báo cho nhau tình hình của mỗi nước, trao đổi và thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trong thời gian tới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và tăng cường quan hệ với Hà Lan, một trong những đối tác EU quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte chân thành cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nhân dân Việt Nam đã dành cho Đoàn sự đón tiếp nồng hậu; chúc mừng những thành tựu to lớn Việt Nam đạt được trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội; đánh giá cao vị thế ngày càng tăng của Việt Nam tại khu vực và trên trường quốc tế. Thủ tướng Mark Rutte khẳng định Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Hà Lan mong muốn tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam.
Trao đổi về quan hệ song phương, hai Thủ tướng đánh giá quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan phát triển tích cực, hiệu quả và năng động trên tất cả các lĩnh vực thể hiện qua việc hai bên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược về Thích ứng với biến đổi khí hậu và Quản lý nước vào năm 2010.
Hai Thủ tướng hài lòng nhận thấy thời gian qua, hai bên đã tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc ở các cấp; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, đầu tư, kinh doanh ổn định lâu dài tại thị trường của nhau, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên như biến đổi khí hậu và quản lý nước, nông nghiệp, năng lượng, kinh tế biển, dịch vụ hậu cần và đóng tàu. Hai bên cũng nhất trí mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, hợp tác giữa các địa phương; tổ chức thường xuyên các hoạt động giao lưu văn hóa tại mỗi nước, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Thủ tướng Hà Lan hoan nghênh và khẳng định sẽ tạo thuận lợi để sự kiện “Ngày Việt Nam tại Hà Lan”, dự kiến tổ chức tại Hà Lan trong năm 2014, thành công tốt đẹp.
Hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng về quan hệ Đối tác chiến lược về Thích ứng với biến đổi khí hậu và Quản lý nước giữa hai bên đang đi vào giai đoạn triển khai các chương trình, dự án cụ thể. Hai bên nhất trí thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược về Nông nghiệp và An ninh lương thực nhân chuyến thăm và coi đây là trọng tâm hợp tác của hai nước trong thời gian tới.
Trên tinh thần tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, hai Thủ tướng đã trao đổi về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc (UN), Hội nghị Cấp cao Á- Âu (ASEM), Diễn đàn hợp tác giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Liên minh châu Âu (ASEAN – EU). Thủ tướng Hà Lan khẳng định ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ toàn diện với Liên minh châu Âu (EU), ủng hộ thúc đẩy việc Uỷ ban châu Âu (EC) sớm phê chuẩn Hiệp định khung về Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) và công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường đầy đủ cùng với thời điểm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Về tình hình Biển Đông, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thông báo tới Thủ tướng Mark Rutte về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 tại vị trí nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết, đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.