Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ các hoạt động trong chương trình tham dự Phiên thảo luận cấp cao Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 68, đêm 27/9 (giờ Việt Nam), tại New York, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc đối thoại với các tập đoàn kinh tế hàng đầu của Mỹ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đối thoại với các tập đoàn kinh tế hàng đầu Mỹ. Ảnh: Đức Tám/TTXVN |
Cuộc đối thoại của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thu hút sự tham dự của nhiều tập đoàn, công ty hàng đầu Mỹ như: Metlife (Công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất Mỹ); tập đoàn GE thuộc nhóm Doanh nghiệp lớn nhất trong ngành công nghiệp điện gió và sản phẩm thân thiện môi trường với doanh số hàng năm lên tới 150 tỷ USD; tập đoàn công nghệ thông tin IBM, tập đoàn năng lượng AES; Quỹ đầu tư Warburg Pincus đã đầu tư hơn 45 tỷ USD tại 35 quốc gia; Coca-Cola; Ford....
Mỹ đến nay đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với tổng kim ngạch song phương lên đến 25 tỷ USD năm 2012; 7 tháng đầu năm nay thương mại song phương đạt tới 17 tỷ USD và cả năm nay dự báo sẽ đạt 30 tỷ USD. Mỹ cũng đứng vị trí thứ 7 trong danh sách các nền kinh tế có đầu tư vào Việt Nam với 660 dự án và 11 tỷ USD vốn đăng ký.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam mong muốn đẩy mạnh hơn nữa hợp tác với Mỹ trên tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại và đầu tư; cho biết Việt Nam đang tích cực triển khai có hiệu quả các giải pháp mang tính đột phá chiến lược mà trước hết là tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Việt Nam đang tiến hành đàm phán các Hiệp định thương mại tự do quan trọng, đặc biệt là đóng góp tích cực, đẩy nhanh tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ khâu đột phá thứ 2 mà Việt Nam đang thực hiện, đó là huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội; kêu gọi các nhà đầu tư Mỹ tích cực tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Khâu đột phá thứ 3 mà Thủ tướng nhấn mạnh đến là tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng cho nhu cầu phát triển, nhất là nhu cầu nhân lực cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Mỹ.
Việt Nam-Mỹ đã tuyên bố nâng quan hệ lên Đối tác hợp tác toàn diện gắn với triển vọng kết thúc sớm đàm phán ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái bình dương (TPP) sẽ tạo ra bước đột phá mới, đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước ngày càng sâu rộng, thiết thực và hiệu quả, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định với các nhà đầu tư, các tập đoàn Mỹ: Chính phủ Việt Nam cam kết không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh, tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Mỹ nói riêng làm ăn hiệu quả, lâu dài tại Việt Nam.
Tại đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lắng nghe và trực tiếp trả lời nhiều câu hỏi của các nhà đầu tư, các tập đoàn Mỹ liên quan đến các ưu tiên và biện pháp trước mắt cũng như dài hạn của chính phủ Việt Nam nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Đáp ứng sự quan tâm của các doanh nghiệp Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày về chương trình cải cách các doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời trao đổi về quan điểm của Việt Nam đối với một số vấn đề cụ thể như tham gia TPP, việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, chính sách khuyến khích đầu tư, phân phối điện...
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng mong muốn các tập đoàn kinh tế Mỹ ủng hộ đề nghị của Việt Nam đối với Mỹ là không phân biệt, đối xử đối với hàng hóa của Việt Nam, nhất là đối với mặt hàng cá tra.
TTXVN/Tin tức