Ngược lại, ngành có sự vươn lên mạnh mẽ, không chỉ có Bộ Công Thương mà cả hệ thống công thương toàn quốc, trong đó có vai trò của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các địa phương.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, năm 2016, chỉ số toàn ngành công nghiệp tăng 7,5%, trong đó có hai điểm đáng chú ý, đó là sự sụt giảm mạnh của ngành khai khoáng, giảm 5,9% và sự tăng trưởng khá của công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng 11,2%. Những lĩnh vực là bệ đỡ cho ngành công nghiệp năm qua là thép, ô tô, dệt, xi măng, ti vi, điện. Giá điện năm qua cũng được giữ ổn định, góp phần kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên, công nghiệp vẫn đối mặt với những vấn đề lớn mang tính chiến lược như tăng trưởng vẫn dựa vào chiều rộng, tức là vẫn dựa vào tăng số lượng các doanh nghiệp, tăng vốn đầu tư và lao động. Sản lượng dầu khai thác trong nước đã đến ngưỡng, trong khi đầu tư thăm dò gặp khó khăn. Việt Nam cơ bản chỉ có thể tham gia vào các khâu gia công với giá trị gia tăng thấp, trong khi vẫn tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu đầu vào.
Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, nhờ có 25 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD đã góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt gần 176 tỉ USD, tăng 8,6% so với năm 2015, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng đặt ra là 10%; trong đó, giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 70%. Tính chung, cả năm xuất siêu 2,68 tỉ USD. Đây được coi là nỗ lực của ngành công thương trong bối cảnh thế giới biến động bất lợi, giá nhiều mặt hàng chủ lực giảm, như dầu thô, nông – thủy sản.
Công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm sáng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong những thành tựu kinh tế - xã hội của đất nước có sự đóng góp quan trọng của ngành công thương mà tiêu biểu là các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo - một điểm sáng đóng góp cho tăng trưởng (tăng 11,2%, so với tốc độ tăng 10,5% cùng kỳ). Bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu và hàng tiêu dùng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tăng cao (tăng 10,2%, so với 9,72% cùng kỳ).
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã phát huy hiệu quả mạnh mẽ, tạo thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng thông qua nhiều hoạt động xúc tiến thương mại. Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng được thực hiện cơ bản tốt, dù còn mặt này mặt khác.
Về nhiệm vụ cải cách hành chính, cơ cấu lại bộ máy, hoạt động của Bộ, Thủ tướng cho rằng đã đạt kết quả tốt theo hướng tinh giản và hiệu quả. Số đầu mối và biên chế giảm, số phòng trong cục, vụ giảm. Đặc biệt, Thủ tướng hoan nghênh Bộ đã ban hành và thực hiện được một số thể chế quan trọng hướng đến chủ trương Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp, tiêu biểu là bỏ nhiều quy định, thủ tục về đầu tư, kinh doanh; khai trương cổng dịch vụ công trực tuyến tích hợp toàn bộ các dịch vụ công cấp độ 3, 4 của Bộ tại một cửa duy nhất.
Thủ tướng cho rằng, việc Bộ Công Thương bãi bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo để điều hành sát thị trường hơn là điểm nhấn trong cải cách hành chính của các bộ, ngành Trung ương hướng đến mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt nhất, thuận lợi nhất.
Liên quan đến một số mặt tồn tại của ngành công thương, Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ: Khai thác dầu thô giảm, cùng với giá giảm, gây áp lực nên ngân sách. Vẫn còn nhiều dự án lớn thua lỗ kéo dài, một số dự án triển khai chậm, trong đó có dự án điện. Một số chiến lược quy hoạch chưa phát huy được hiệu quả, chưa tạo được động lực để thu hút tư nhân tham gia, như chiến lược phát triển ngành ô tô, cơ khí, quy hoạch phát triển ngành thép, điện. Quản lý thị trường trong nước và thương mại biên giới còn bất cập, tình trạng buôn lậu chưa được khắc phục căn bản, nhất là vật tư nông nghiệp; còn tình trạng lừa đảo trong bán hàng đa cấp. Bên cạnh đó, việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Công tác cán bộ thời gian qua còn nhiều bất cập, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín của ngành.
Đề cập đến định hướng phát triển của ngành, Thủ tướng cho rằng, đó là phát triển nền công nghiệp Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào lợi thế không bền vững dựa vào tài nguyên tự nhiên như dầu mỏ, than đá, quặng… mà thay vào đó, phải chuyển dịch sang nền công nghiệp dựa trên nền tảng sáng tạo, lấy khoa học công nghệ làm động lực và nền tảng cạnh tranh.
“Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là hướng quan trọng của công nghiệp Việt Nam. Trước mắt, chúng ta vẫn dựa vào cả 2 là công nghiệp giá trị gia tăng cao, hàm lượng khoa học công nghệ cao và tài nguyên, lao động”, Thủ tướng nói.
Một tầm nhìn nữa, theo Thủ tướng, là muốn tạo ra sự thay đổi với sức cạnh tranh mạnh mẽ thì phải bắt đầu bằng việc tạo ra một môi trường để người dân và doanh nghiệp có thể làm ăn tử tế, sòng phẳng, không bị chèn ép. Đây chính là nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ kiến tạo, trong đó có thành viên là Bộ Công Thương.
Không “ném tiền” vào các dự án thua lỗ
Giao nhiệm vụ cho ngành Công Thương thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tập trung giải quyết những tồn đọng tại mười mấy dự án đang nằm ở Bộ Công Thương. “Lãnh đạo Bộ, các tập đoàn phải tập trung, nêu trách nhiệm của người đứng đầu trong giải quyết tồn tại này”, Thủ tướng chỉ đạo và tiếp tục khẳng định, ngân sách không có khả năng và cũng không “ném tiền” vào các dự án thua lỗ này.
Bộ cũng cần có chính sách phát triển một số mặt hàng công nghiệp quan trọng, như công nghiệp ô tô, một số sản phẩm điện tử, cơ khí. Nhất là vừa qua, cơ khí Việt Nam đã thể hiện được thế mạnh trong vai trò tổng thầu EPC một số nhà máy điện, công trình lớn và có thể xuất khẩu. Thủ tướng gợi ý, nên có một hội nghị bàn về cơ chế để cơ khí Việt Nam phát triển trong thời gian tới.
Cùng với đó là tiếp tục hội nhập nhanh chóng, tích cực, chủ động. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Nâng cao chất lượng quản lý thị trường. Phải có cơ chế phù hợp tổ chức lại thương mại biên giới, thương mại điện tử, tạo đột phá trong lĩnh vực này.
Huy động mọi thành phần kinh tế, kể cả doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI, nhất là doanh nghiệp tư nhân, kể cả doanh nghiệp cổ phần hóa, hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã công thương tiêu thụ để phát triển ngành công thương Việt Nam.
Bên cạnh đó phải phát huy vai trò của các hiệp hội ngành nghề, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao.
Thủ tướng đặt vấn đề: “Tại sao chúng ta không nghiên cứu, phát động một chiến dịch công nghiệp Việt Nam phục vụ nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao là một thế mạnh của Việt Nam? Tại sao chúng ta không phục vụ cái này, nhất là một số ngành cơ khí và một số ngành chức năng?”.
Thủ tướng cũng chỉ đạo ngành nghiên cứu các "hàng rào" bảo vệ hàng hóa trong nước nhưng không trái pháp luật quốc tế; xây dựng thương hiệu quốc gia với những sản phẩm Việt Nam có thể mạnh.