Phiên họp nhằm thảo luận, xem xét cho ý kiến đối với Dự án Luật Điện lực (sửa đổi); Dự án Luật Việc làm; Đề nghị xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp; Đề nghị xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) và Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Dự Phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang, Lê Thành Long; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Mở đầu phiên họp, nhân Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2024), Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thành kính dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước; được Chính phủ xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, được triển khai quyết liệt, đồng bộ, đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Chính phủ đã tổ chức 27 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; cho ý kiến, xem xét, thông qua đối với hơn 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua hơn 60 luật, nghị quyết; ban hành hơn 380 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành gần 90 quyết định quy phạm.
Riêng trong năm 2024, Chính phủ đã tổ chức 5 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến, thông qua 26 đề nghị xây dựng luật, nghị quyết, dự án luật. Đặc biệt, đã thành lập ban chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban.
Mục tiêu là xây dựng, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 xem xét, thông qua một Luật sửa các luật để xử lý ngay các bất cập, vướng mắc pháp lý phát sinh trong thực tiễn, cản trở sự phát triển, qua đó khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng.
Quán triệt nguyên tắc xây dựng pháp luật đảm bảo tiến độ, chất lượng, Thủ tướng Chính phủ lưu ý nội dung các quy định pháp luật phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, thiết kế công cụ giám sát, kiểm tra và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật; giảm thủ tục hành chính, chấm dứt cơ chế xin-cho, giảm phiềm hà, giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn; huy động được mọi nguồn lực trong xã hội cho phát triển đất nước, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Nhắc lại yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải đầu tư nguồn lực, điều kiện đảm bảo cho công tác xây dựng thể chế; lựa chọn cán bộ có trách nhiệm cao, đam mê, cảm xúc, đổi mới sáng tạo và có chế độ chính sách cho cán bộ tham gia xây dựng pháp luật… Các bên liên quan rà soát, khen thưởng đột xuất đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng pháp luật, đồng thời nhắc nhở, phê bình, thậm chí xử lý với tập thể, cá nhân còn yếu kém hoặc sai phạm trong công tác xây dựng pháp luật.
Tại phiên họp chuyên đề về xây pháp luật tháng 7/2024, Chính phủ xem xét, cho ý kiến, thông qua 5 nội dung quan trọng, gồm 2 đề nghị xây dựng Luật: Tình trạng khẩn cấp, Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); 2 dự án Luật: Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Việc làm (sửa đổi). Đây đều là những nội dung khó và quan trọng cần tập trung nghiên cứu. Đặc biệt, Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với Đề án về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, một đề án lớn từng được đề cập từ nhiều năm trước, Bộ Chính trị đã có kết luận, cần sớm cụ thể hóa.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung trí tuệ, tiếp tục tinh thần đổi mới; trình bày báo cáo, phát biểu ý kiến ngắn gọn, rõ ý, đi thẳng vào vấn đề; tập trung trao đổi về những vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau cần thảo luận, xin ý kiến Chính phủ; bảo đảm tiến độ, chất lượng của phiên họp. Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý phân công công việc phải “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả” để dễ kiểm tra, giám sát, đôn đốc, thi đua, khen thưởng…
TTXVN tiếp tục cập nhật thông tin về phiên họp.