Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Kết luận số 30-KL/TW ngày 20/7/2004 về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, trong đó chỉ đạo “Tăng đầu tư cho văn hóa, phấn đấu đến năm 2010 ít nhất đạt 1,8% tổng chi ngân sách của Nhà nước”.
Những năm qua, Nhà nước đã quan tâm, ban hành nhiều cơ chế, chính sách, bố trí các nguồn lực tài chính để phát triển văn hóa. Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình, đề án trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và du lịch; đồng thời đã xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn quản lý tài chính thực hiện các chương trình, đề án.
Giai đoạn 2014 - 2018, ngân sách nhà nước chi đầu tư cho lĩnh vực văn hóa 15.354,2 tỉ đồng (kế hoạch năm 2017 và năm 2018 chưa bao gồm ngân sách địa phương), chiếm 1,71% tổng chi đầu tư phát triển ngân sách nhà nước, chưa đạt mức 1,8% như yêu cầu tại Kết luận số 30-KL/TW ngày 20/7/2004.
Tuy nhiên, tốc độ tăng bình quân từ ngân sách nhà nước ưu tiên bố trí cho sự nghiệp văn hóa - thông tin khoảng 10%/năm, cao hơn tốc độ tăng chi ngân sách nhà nước (khoảng 9%), cao hơn tốc độ tăng chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước (khoảng 7%).
Triển khai Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã cụ thể hóa trong các Chiến lược, Quy hoạch và Đề án phát triển của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, như: Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam, Chiến lược phát triển ngành điện ảnh; Quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; Đề án Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa (nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm văn học nghệ thuật)... Tuy nhiên, việc thực hiện các nhiệm vụ này còn hạn chế do nguồn lực bố trí cho văn hóa hàng năm ngày càng giảm.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, đề xuất bổ sung đột phá trong giai đoạn 2021 - 2030 là phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là sức mạnh toàn dân tộc; khơi dậy tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí, khát vọng dân tộc và bản tính chăm chỉ, sáng tạo của nhân dân; xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, kỷ cương, dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự an toàn.
Sau khi Chiến lược và Kế hoạch nêu trên được thông qua, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo bố trí nguồn lực đầu tư để thực hiện theo định hướng phát triển trong thời gian tới, bảo đảm phù hợp với Kết luận 30-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng về vai trò và hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch (Ban Chỉ đạo) được thành lập, kiện toàn theo Quyết định số 23/1999/QĐ-TTg ngày 13/2/1999 và Quyết định số 420/QĐ-TTg ngày 8/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ; gồm 16 thành viên, đại diện cho 15 bộ và cơ quan, do Phó Thủ tướng Chính phủ là Trưởng ban trực tiếp chỉ đạo, điều hành.
Sau khi được thành lập, Ban Chỉ đạo đã tích cực triển khai nhiều hoạt động giúp Thủ tướng Chính phủ ban hành và chỉ đạo thực hiện Chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2001 - 2010, Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch, Chương trình Hỗ trợ phát triển hạ tầng du lịch để từng bước hình thành rõ nét các địa bàn ưu tiên, tập trung đầu tư phát triển du lịch, các khu du lịch quốc gia...
Giai đoạn 2011 - 2020, Ban Chỉ đạo tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo liên ngành thực hiện các giải pháp vĩ mô thúc đẩy phát triển du lịch, với trọng tâm là các chương trình quốc gia về phát triển du lịch, chỉ đạo triển khai các giải pháp kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn như: Ứng phó tác động khủng hoảng thị trường khách du lịch; mở rộng diện miễn thị thực đơn phương cho công dân một số nước Tây Âu; thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử, cấp thị thực rời đối với khách du lịch tàu biển; bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch; tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; ban hành các chủ trương, chính sách nhằm tạo thuận lợi, thúc đẩy phát triển du lịch phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập của đất nước.
Sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo đã góp phần để ngành du lịch Việt Nam có những thành tựu phát triển vượt bậc được thế giới công nhận là quốc gia tăng trưởng du lịch quốc tế đứng đầu châu Á và đứng thứ 6 trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, một số thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo các bộ, ngành do bận nhiều công việc nên không tham gia đầy đủ được các phiên họp nhưng một số giải pháp trọng tâm, chính sách liên ngành nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy du lịch phát triển vẫn được kịp thời đề xuất với Thủ tướng Chính phủ. Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo về tổ chức, nội dung hoạt động phù hợp với điều kiện và tình hình mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của một ngành kinh tế mũi nhọn.