Với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, công tác thi hành án dân sự về cơ bản đã đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Cụ thể, các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong 574.819 việc, đạt 83,25% (tăng 0,75% so với năm 2022). Về tiền, đã thi hành xong hơn 89.412 tỷ đồng, đạt 46,78% (tăng 1,24% so với năm 2022).
Công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế tiếp tục được tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực, được các cơ quan có thẩm quyền đánh giá, ghi nhận. Cụ thể, các cơ quan đã thi hành xong 2.264 việc tương ứng với trên 20.405 tỷ đồng.
Năm 2023, tổng số bản án, quyết định về vụ án hành chính có nội dung phải thi hành là 1.375 bản án (kỳ trước chuyển sang là 563 bản án), tăng 453 bản án so với năm 2022. Số bản án Tòa án đã ra quyết định buộc thi hành án hành chính là 571 bản án. Kết quả, các cơ quan hành chính nhà nước đã thi hành xong 582/1.375 bản án (tăng 153 bản án so với năm 2022), đang tiếp tục thi hành 776 bản án, chủ yếu là các bản án mới phát sinh trong năm 2022 và năm 2023.
Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, công tác thi hành án dân sự luôn được Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp đặc biệt quan tâm. Bộ đã tổ chức nhiều cuộc họp để trực tiếp nghe, cho ý kiến, xử lý các vấn đề liên quan đến ngành, từ thực hiện chỉ tiêu đến những vụ việc nổi cộm trong hệ thống.
Ghi nhận những kết quả tích cực toàn ngành đạt được trong năm nay khi vượt chỉ tiêu so với năm 2022, Bộ trưởng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Số việc chưa thi hành xong chuyển kỳ sau còn nhiều. Kết quả thi hành án tín dụng, ngân hàng còn thấp; còn nhiều bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính chưa được các cơ quan, Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thi hành nghiêm. Năng lực quản lý điều hành, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số lãnh đạo cơ quan thi hành án dân sự chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin còn chưa kịp thời.
Để thực hiện tốt công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính trong năm 2024 và các năm tiếp theo, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan trong hệ thống thi hành án dân sự cố gắng hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo đúng yêu cầu Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội, Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư; nâng cao kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, án tín dụng, ngân hàng, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Toàn ngành kịp thời quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong toàn hệ thống thi hành án dân sự; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, tự kiểm tra, giám sát nội bộ trong hệ thống, thực hiện kịp thời, đầy đủ các kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán.
Đối với đề xuất sửa đổi Luật Thi hành án dân sự, Bộ trưởng nhận định đây là vấn đề quan trọng, cần tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, đảm bảo tính đồng thuận, khả thi. Cùng với đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan thi hành án dân sự làm tốt công tác phối hợp liên ngành, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nêu cao trách nhiệm gương mẫu của người đứng đầu.