Sáng 12/9, tại Nhà Quốc hội, Hà Nội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV tiếp tục Phiên họp thứ 14 để thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đo đạc và Bản đồ. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN |
Xây dựng Luật Đo đạc và Bản đồ là yêu cầu cấp bách Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Đo đạc và Bản đồ do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa trình bày nêu rõ, hoạt động đo đạc và bản đồ là công việc cơ bản của công tác điều tra phục vụ khoa học trái đất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.
Thời gian qua, Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước đã ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bước đầu đáp ứng được việc thực thi pháp luật về đo đạc và bản đồ.
Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước và tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ còn một số vấn đề tồn tại. Theo đó, Nghị định số 45/2015/NĐ-CP về hoạt động đo đạc và bản đồ chưa bao quát hết các vấn đề cần quản lý, chưa đưa ra được các vấn đề mới mà hội nhập quốc tế đặt ra đối với lĩnh vực này, đặc biệt là hạ tầng không gian địa lý phục vụ Chính phủ điện tử và phát triển kinh tế - xã hội cho các ngành, lĩnh vực.
Mặt khác, một số hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành đang được điều chỉnh bởi các luật như: Luật Đất đai, Luật Xây dựng,.. dẫn đến sự thiếu thống nhất, đồng bộ trong quản lý. “Việc xây dựng một đạo luật trên cơ sở kế thừa các quy định pháp luật về quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ hiện hành, đồng thời bổ sung các quy định mới, đáp ứng yêu cầu của phát triển khoa học công nghệ là yêu cầu cấp bách và thực tiễn khách quan”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh.
Dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ gồm 9 chương, 63 điều quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; đo đạc và bản đồ chuyên ngành; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; điều kiện hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý Nhà nước về đo đạc và bản đồ…
Các đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật như Tờ trình của Chính phủ, thể hệ rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước về “Tăng cường ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ mới, tiên tiến trên nền tảng công nghệ thông tin trong dự báo, cảnh báo, điều tra, đánh giá, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”; “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tổng hợp và thống nhất về tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu theo chuẩn quốc tế.
Có cơ chế phù hợp khai thác, chia sẻ thông tin, sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu”. Việc xây dựng dự án Luật cũng nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động đo đạc và bản đồ, khắc phục tình trạng đo đạc chồng chéo, lãng phí; thúc đẩy thương mại hóa thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ, xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ… phục vụ có hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế.
Làm rõ hơn chính sách ưu tiên của Nhà nước
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với các chính sách của Nhà nước đối với hoạt động đo đạc và bản đồ quy định tại Điều 5 của dự thảo Luật. Tuy nhiên, để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế nói chung và hoạt động đo đạc, bản đồ nói riêng, dự thảo Luật cần quy định rõ hơn về các chính sách về ưu tiên đối với hoạt động đo đạc và bản đồ phục vụ công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, cụ thể: bản đồ xâm nhập mặn cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, bản đồ hạn hán, bản đồ bão lụt; về ưu tiên đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ đo đạc, bản đồ…
Đại biểu Nghiêm Vũ Khải, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật cần bổ sung quy định: Nhà nước ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về bản đồ cơ bản và thống nhất áp dụng trong phạm vi cả nước. Nhận định xã hội hóa dịch vụ đo đạc và bản đồ là xu thế tất yếu, đại biểu Nghiêm Vũ Khải nhấn mạnh, dự thảo Luật cần có quy định cụ thể nhằm đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội phát triển dịch vụ đo đạc và bản đồ; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cho sản xuất và phát triển các ứng dụng thông tin địa lý phục vụ nâng cao dân trí, tiến bộ xã hội.
Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Lê Quang Huy, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nêu quan điểm, dự án Luật cần làm rõ, cụ thể hơn một số chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực đo đạc và bản đồ để phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đại biểu Lê Quang Huy, trong thời gian tới, các dịch vụ liên quan mật thiết đến hoạt động đo đạc và bản đồ như: định vị, phân tích dữ liệu, cảm biến tìm đường… có bước phát triển rất nhanh; vì thế Nhà nước cần có những bước điều chỉnh phù hợp.
Tại phiên họp, các nội dung về hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; điều kiện hoạt động đo đạc và bản đồ; đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm… cũng được các đại biểu phân tích, cho ý kiến cụ thể.