Thông cáo báo chí số 9, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Thứ tư, ngày 31/5/2023, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 9 của Kỳ họp thứ 5 tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu điều hành phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Dự thính phiên họp có 105 đại biểu là thường trực Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân của 32 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Tại phiên thảo luận đã có 50 đại biểu phát biểu, 6 đại biểu tranh luận. Nhiều ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đồng thời đánh giá Báo cáo của Chính phủ được xây dựng công phu, bao trùm mọi lĩnh vực và đã thẳng thắn nhìn nhận các vấn đề còn tồn tại trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đánh giá tương đối toàn diện, rõ ràng, đầy đủ bối cảnh thế giới, trong nước, những kết quả đạt được, các mục tiêu, chỉ tiêu, đồng thời, phân tích đầy đủ, chính xác những khó khăn, tồn tại, hạn chế, làm rõ những nguyên nhân của tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên họp sáng 31/5. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng những kết quả đạt được thể hiện chủ trương đúng của Đảng, những quyết sách của Quốc hội, sự nỗ lực cố gắng của Chính phủ, các địa phương cũng như các doanh nghiệp, người dân và cả hệ thống chính trị trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, khắc phục và phục hồi sau đại dịch; thống nhất đánh giá so với báo cáo tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 sau khi đánh giá bổ sung đã có nhiều thay đổi tích cực.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các giải pháp để ổn định kinh tế vi mô; các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát lạm phát, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,5%; giảm mặt bằng lãi suất cho vay; tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế; cải thiện thị trường tài chính, trái phiếu, bất động sản, chứng khoán; khôi phục sản xuất, kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp; tạo việc làm, giảm thất nghiệp; tháo gỡ các điểm nghẽn hiện nay như: chậm phê duyệt các quy hoạch, chậm cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; hạn chế trong phân bổ giải ngân vốn đầu tư công; bất cập trong giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế và đời sống nhân dân như: nhà ở xã hội, chính sách tiền lương; ùn tắc đăng kiểm; điều hành thị trường xăng dầu; quy định mới về phòng cháy, chữa cháy; bán chéo bảo hiểm khi xét duyệt hồ sơ vay; tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; giáo dục nghề nghiệp; công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em; quản lý văn hóa trên không gian mạng; việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất ở miền núi; chính sách của Nhà nước đối với sản xuất năng lượng tái tạo…

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã giải trình, làm rõ việc thực hiện cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, kỷ luật, kỷ cương công chức, công vụ; nguyên nhân và giải pháp đối với tình trạng một bộ phận cán bộ công chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ; việc thể chế hóa chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ về tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư, thiết bị y tế vẫn chưa được giải quyết dứt điểm; việc bố trí ngân sách giữa Trung ương và địa phương trong mua vắc-xin; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình, làm rõ về tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy; việc triển khai gói tín dụng nhà ở xã hội.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình làm rõ ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Thứ năm, ngày 1/6/2023: Sáng, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; Chiều 1/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022; Việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia. Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

TTXVN/Báo Tin tức
Thông cáo báo chí số 8, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
Thông cáo báo chí số 8, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Thứ ba, ngày 30/5/2023, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 8 của Kỳ họp thứ 5 tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN