Nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Phiên thảo luận được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.
Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến đại biểu phát biểu nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Về cơ bản, các báo cáo đã phản ánh đầy đủ, nhận định thẳng thắn, khách quan về những kết quả đạt được, những khó khăn, thách thức và đưa ra các giải pháp, chủ trương phục hồi kinh tế.
Thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020, các đại biểu cho rằng, năm 2020 có nhiều thách thức như dịch COVID-19, thiên tai liên tục xảy ra như hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, bão lũ xảy ra tại miền Trung trong thời gian gần đây nhưng đất nước vẫn đạt được những kết quả tích cực và là một trong số ít các nước đạt mức tăng trưởng dương.
Các đại biểu đánh giá cao công tác điều hành, quản lý nhà nước của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu vừa chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế- xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế; do đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện.
Tại phiên thảo luận, có ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá đầy đủ về thiệt hại do bão lũ, ngập lụt trên các lĩnh vực nông nghiệp, cơ sở hạ tầng để có cơ sở đánh giá đúng chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế; đồng thời, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về những vấn đề sau: cơ cấu nền kinh tế; thu, chi ngân sách nhà nước; giải ngân vốn đầu tư công; giao thông vận tải, xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng; vấn đề chậm tiến độ các dự án giao thông đường sắt đô thị; phát triển hệ thống giao thông ở đồng bằng sông Cửu Long; về sản xuất nông nghiệp; chính sách bảo vệ và phát triển rừng; về quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp FDI; cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước; về đổi mới sách giáo khoa; công tác y tế dự phòng, khám chữa bệnh trực tuyến; về hoạt động tín dụng đen; về an ninh nguồn nước, quản lý an toàn hồ, đập, phát triển điện lực, trong đó cần tập trung rà soát, đánh giá lại toàn bộ tác động, mức độ an toàn của hệ thống hồ chứa, thủy điện, thủy lợi và các dự án thủy điện vừa và nhỏ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc vận hành các nhà máy thủy điện, công trình thủy lợi; gắn vấn đề an ninh nguồn nước với phòng, chống thiên tai, an ninh năng lượng…
Thảo luận về kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020: Phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn, các đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị trong đầu tư công trung hạn Chính phủ cần sắp xếp thứ tự ưu tiên, quan tâm đến các tỉnh miền núi, khu vực khó khăn.
Thảo luận về Dự kiến mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; các chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội giai đoạn 2021-2025 và các kế hoạch: đầu tư công trung hạn, tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025, các ý kiến đại biểu phát biểu tập trung về những vấn đề sau: Giải pháp kinh tế thúc đẩy xóa đói giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó cần tập trung rà soát, sắp xếp lại các chương trình, nhất là 2 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và an sinh xã hội và chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 để tránh chồng chéo, trùng lặp; việc quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường; rà soát, sửa đổi bất cập của tình trạng nợ tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới; cải thiện môi trường kinh doanh tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện khung pháp lý trong xây dựng Chính phủ điện tử; tình hình nợ công tăng, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh tài chính; về xây dựng chỉ tiêu của dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 bảo đảm phù hợp nhằm thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh…
Thảo luận về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận, Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An, có ý kiến đại biểu đề nghị cần sớm tháo gỡ hành lang pháp lý để sớm đưa công trình vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu cấp thiết cung cấp nước cho đời sống sinh hoạt của nhân dân và hoạt động phát triển kinh tế ở các vùng khó khăn.
Trong quá trình thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã phát biểu giải trình, làm rõ thêm ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, ngày 4/11/2020, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Một số Bộ trưởng sẽ tham gia thảo luận và làm rõ vấn đề liên quan đến lĩnh vực của bộ, ngành quản lý.
Cũng trong buổi chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội đã xem video clip về hoạt động giám sát và kết quả giải trình “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội” của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Nội dung 2: Từ 16 giờ 40 phút, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã tiến hành xem xét về công tác nhân sự. Tại phiên họp, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn đại biểu Quốc hội và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau đó, Quốc hội tiến hành thủ tục bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc bằng hình thức bỏ phiếu kín. Kết quả kiểm phiếu như sau: có 467 đại biểu đồng ý (bằng 96,80% tổng số đại biểu Quốc hội); có 3 đại biểu không đồng ý (bằng 0,62% tổng số đại biểu Quốc hội).
Tiếp đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hình thức điện tử. Kết quả có 431 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 89,42% tổng số đại biểu Quốc hội); trong đó 429 đại biểu tán thành (bằng 89,00 % tổng số đại biểu Quốc hội); 2 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,41% tổng số đại biểu Quốc hội).
Thứ Tư, ngày 4/11/2020, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Phiên họp được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp.