Thảo luận việc giám định chất ma túy trong Bộ Luật hình sự

Sáng 26/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự (BLHS) số 100/2015/QH13.

Nội dung được nhiều đại biểu tập trung thảo luận là việc bổ sung quy định liên quan đến vấn đề xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự (các Điều 248, 249, 250, 251 và 252 của BLHS năm 2015).


Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Về vấn đề này, theo Tờ trình của Chính phủ, hiện nay trong thực tiễn giữa các cơ quan tiến hành tố tụng đang có cách hiểu khác nhau, không thống nhất được về vấn đề cần hay không cần xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích các chất ma túy quy định trong BLHS làm cơ sở cho việc xử lý hình sự. Do vậy, để tạo thuận lợi cho việc áp dụng thống nhất trong thực tiễn thì cần bổ sung quy định về việc xác định hàm lượng chất ma túy vào các Điều 248 - 252 của BLHS năm 2015. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi trên thực tế thì trước mắt nên quy định theo hướng cần phải xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích các chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự trong một số trường hợp phạm tội về ma túy nhất định.


Theo đó, dự thảo Luật quy định rõ cần phải xác định hàm lượng chất ma túy thu giữ được để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự nếu thuộc một trong 5 trường hợp sau: phạm tội về ma túy quy định tại khoản 4 các điều từ Điều 248 đến Điều 252 của BLHS năm 2015 (có mức phạt đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình); chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch; chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng; xái thuốc phiện; thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần.


Thảo luận tại hội trường, nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định giám định hàm lượng như trong dự thảo Luật là bất bình đẳng trong chính sách hình sự. Vì trong cùng một điều luật, ở các khoản có khung hình phạt đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình thì phải giám định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích, trong khi đó, khoản 1, 2 và 3 lại không quy định giám định hàm lượng. Chẳng hạn: Một người mua bán 100 gam hêrôin, quy định như dự thảo Luật sẽ phải giám định hàm lượng, sau khi giám định, xác định tỉ lệ dưới 1% hêrôin, quy ra khối lượng chỉ còn dưới 1 gam, như vậy họ sẽ chỉ bị áp dụng khoản 1 Điều 251 BLHS năm 2015 để xử lý với khung hình phạt cao nhất đến 7 năm tù. Một người khác mua bán 99 gam hêrôin thuộc khoản 3 có khung hình phạt đến 20 năm tù thì không phải giám định hàm lượng và áp dụng ngay khoản này để xử phạt, người đó có thể bị phạt tới 20 năm tù. Hơn nữa, quy định này sẽ dẫn đến việc buộc phải giám định hàm lượng để tính khối lượng hoặc thể tích mới biết người đó phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng để xác định thẩm quyền tố tụng, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự… là không hợp lý, gây khó khăn trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và không bảo đảm tính kịp thời trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.


Bên cạnh đó, quy định như trong dự thảo không bảo đảm tính công bằng trong xử lý giữa vụ án thu được và vụ án không thu được ma tuý. Theo phân tích của ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), hiện nay số vụ án không thu được ma tuý ở nước ta chiếm khoảng trên 20% tổng số án ma tuý thụ lý. Và mặc dù không thu được ma tuý, nhưng qua quá trình đấu tranh với đối tượng, qua khai thác luận chứng, qua khai thác các đồng phạm khác, các cơ quan tố tụng vẫn có đầy đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng và ứng với các khung, khoản tương ứng của Bộ luật để xử lý.


Như vậy, với vụ án không thu được ma tuý thì sẽ tính theo khối lượng ma tuý đối tượng khai nhận. Đối với vụ án thu được ma tuý thì tính theo hàm lượng ma tuý tinh chất rút ra từ ma tuý thu giữ được. Đây là mâu thuẫn lớn nhất mà đến thời điểm hiện nay dự thảo chưa tính tới. “Đánh tội phạm ma tuý là đánh vào ý thức chủ quan của người phạm tội, đánh vào ý thức định gieo rắc hiểm hoạ cho toàn xã hội. Khi thực hiện hành vi phạm tội về ma tuý, các đối tượng không cần biết, không quan tâm đến tinh chất ma tuý mà chỉ quan tâm đến có bao nhiêu bánh ma tuý, bao nhiêu tép ma tuý”, ĐB Nguyễn Thị Thuỷ nêu thực tế.

Bên cạnh đó, trên thực tế, ma tuý tinh chất không thể có ngoài xã hội, chỉ có ở trong phòng thí nghiệm và cơ sở giám định. Để có được ma tuý tinh chất, phải do một tổ chức có thẩm quyền của Liên Hợp Quốc cung cấp theo đề nghị của Việt Nam để phục vụ công tác giám định. Hiện nay, chúng ta bắt đầu thử sản xuất ma tuý tinh chất nhưng trong 250 chất ma tuý thì mới đang thử 8 mẫu và tất cả đang chỉ là sự bắt đầu.


Bà Thuỷ dẫn kinh nghiệm nước ngoài, với các nước đã tiếp cận được, nghiên cứu được như Trung Quốc thì thấy các nước đều quy định rõ không tính theo hàm lượng ma tuý tinh chất. “Về quan điểm cá nhân, tôi lựa chọn như quy định của luật các nước, không tính theo hàm lượng tinh chất ma tuý mới là phù hợp", ĐB Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh.


Trong khi đó, dưới góc độ của người làm công tác xét xử, ĐB Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) cho hay nếu không quy định hàm lượng chất ma túy để xét xử thì rất dễ dẫn đến oan sai, bỏ lọt tội phạm. Do đó, trong một số trường hợp các chất thu giữ nghi là ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch; chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng; xái thuốc phiện; thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần cần giám định để làm căn cứ cho việc xét xử.


Một số ý kiến đại biểu khác tán thành quy định ngay trong Luật việc chỉ xác định loại ma túy mà không xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích các chất ma tuý và cho rằng, thực tiễn giải quyết các vụ án về ma túy mấy chục năm qua chỉ căn cứ vào khối lượng ma túy thu giữ được hoặc chứng minh được mà không căn cứ vào hàm lượng chất ma túy. Chỉ khoảng 02 năm gần đây, các cơ quan tiến hành tố tụng mới có quan điểm khác nhau và không thể thống nhất được có hay không giám định hàm lượng chất ma tuý để xử lý hình sự dẫn đến tồn đọng án kéo dài, nhiều vụ án thậm chí vi phạm về thời hạn tố tụng, nhất là thời hạn tạm giam.

Thu Phương
Sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự không làm ảnh hưởng chính sách lớn
Sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự không làm ảnh hưởng chính sách lớn

Tiếp tục chương trình làm việc của phiên họp thứ tư, chiều 3/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành thời gian đầu của phiên họp tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN