Thành lập nhóm chuyên sâu nghiên cứu về Bitcoin, tiền ảo

Bộ Tư pháp đề xuất lộ trình tháng 8/2018 sẽ báo cáo Chính phủ về thực trạng pháp luật, thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và quốc tế. Bộ Tư pháp cũng sẽ xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản quy phạm quản lý tiền ảo, tiền điện tử. Dự kiến tháng 12/2018 sẽ trình Chính phủ hồ sơ này để xem xét.

Chiều 23/1, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo tổng kết công tác tư pháp quý IV năm 2017.

Trả lời về hành lang pháp lý quản lý tài sản ảo, tiền ảo, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp) cho rằng, tiền ảo, tiền điện tử là một thực tế ở không chỉ Việt Nam mà trên thế giới. Đây là một vấn đề mới và rất phức tạp, kể các nước phát triển cũng lúng túng.

Họp báo Bộ Tư pháp. Ảnh: H.V

Ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 1255 phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền điện tử và tiền ảo.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã thành lập nhóm nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này, tinh thần là tiếp cận trên 2 khía cạnh: Thứ nhất là đối tượng của sở hữu và giao dịch, tức là dạng tài sản; Thứ hai là tiền tệ và phương tiện thanh toán.
Theo pháp luật hiện hành, dưới góc độ tiền tệ và phương tiện thanh toán thì bị cấm, nhưng ở góc độ sở hữu và giao dịch còn bỏ ngỏ.

Theo ông Hải, trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, phải nghiên cứu để đảm bảo hài hòa quyền sở hữu và rủi ro pháp lý liên quan tới vấn đề này. Bộ Tư pháp chuẩn bị đề xuất lộ trình tháng 8/2018 sẽ báo cáo Chính phủ về thực trạng pháp luật, thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và quốc tế. Trong đó, cũng nghiên cứu góc độ liên quan tới tài sản, phòng chống rửa tiền, an ninh tiền tệ…

Dự kiến Bộ Tư pháp sẽ xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản quy phạm quản lý tiền ảo, tiền điện tử. Dự kiến tháng 12/2018 sẽ trình Chính phủ hồ sơ này để xem xét. Hiện nay, nhóm nghiên cứu của Bộ Tư pháp đang nghiên cứu chuyên sâu về kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn Việt Nam để có đánh giá cụ thể.


 Dự kiến, tới năm 2020 Bộ Tư pháp sẽ đề nghị xây dựng luật để sửa đổi bổ sung các luật liên quan về vấn đề này để đảm bảo đồng bộ.

Ông Hải cũng cho biết, Bộ cũng thống nhất với ý kiến của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua về vấn đề này. Người dân cũng cần lưu ý giao dịch Bitcoin hay tiền ảo là ẩn danh nên là công cụ của tội phạm trốn thuế, rửa tiền. Ngoài ra, tiền ảo là dạng kỹ thuật số nên nguy cơ rủi ro cao bị tấn công, đánh cắp, thay đổi dữ liệu và ngừng giao dịch rất lớn.

Bên cạnh đó, giá trị đồng tiền ảo biến động liên tục nên rủi ro đầu tư lớn. Đây cũng là loại tài sản chưa được cơ quan quản lý nước nào quản lý. Do vậy, khi xảy ra tranh chấp, việc bảo vệ an toàn pháp lý trong giao dịch rất khó khăn. Do đó, người dân khi thực hiện giao dịch liên quan tới vấn đề này cần thận trọng.

H.V/Báo Tin Tức
Dụ dỗ người dân đầu tư Bitcoin để chiếm đoạt hàng tỷ đồng
Dụ dỗ người dân đầu tư Bitcoin để chiếm đoạt hàng tỷ đồng

Ngày 19/1, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: lực lượng chức năng đã bắt giữ đối tượng Trịnh Ngọc Thắng, sinh năm 1989, thường trú tại phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản dưới hình thức đầu tư đồng tiền ảo (Bitcoin) và các dự án bất động sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN