Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã có 140 nhà bị thiệt hại hoàn toàn hoặc bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất, 17.604 nhà bị ngập sâu trong nước lũ.
Nước ngập vào nhà dân xã Tượng Sơn (huyện Nông Cống, Thanh Hóa). Ảnh: Hoa Mai/TTXVN |
Mưa lũ cũng khiến trên 1.000 ha lúa bị ngập; 18.000 ha diện tích ngô, rau màu bị ngập, đổ gãy. Số gia súc trên địa bàn bị cuốn trôi là trên 5.000 con, gia cầm 151.000 con…
Trên tuyến đê sông Chu (đê cấp I) bị sạt lở 4 điểm với tổng chiều dài 107 m. Các tuyến đê từ cấp VI trở xuống bị sạt lở, nứt vỡ với tổng chiều dài 298 m, nghiêm trọng nhất là sạt mái đê hữu sông Cầu Chày trên địa bàn xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân, với chiều dài cung sạt 6m, rộng 5 m, sâu 1,2 m.
Trên tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 45, Quốc lộ 217 vẫn còn nhiều điểm bị ngập sâu 50-70 m khiến giao thông bị ách tắc cục bộ…
Để đảm bảo an toàn cho những hộ dân sống ven sông, suối, khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng thấp, bãi ven sông, các địa phương đã chủ động sơ tán trên 17.600 hộ dân đến nơi an toàn; trong đó các huyện Thạch Thành di dời 3.389 hộ, Thọ Xuân di dời 3.415 hộ, Thường Xuân 1.727 hộ…
Sở Công Thương đã huy động trên 1.800 thùng mì tôm, 1.825 kg lương khô, gần 5.500 lít nước để cứu trợ kịp thời cho các hộ phải sơ tán, bị cô lập do mưa lũ trên địa bàn huyện Thường Xuân. Hội Chữ thập đỏ cũng đã phân phối hàng cứu trợ cho các huyện vùng lũ Nông Cống, Thọ Xuân, Thạch Thành, Yên Định, Vĩnh Lộc với 6.100 thùng mì tôm, 3.000 chai nước lọc.
Lực lượng Quân đội cũng đã điều động trên 1.500 cán bộ, chiến sỹ, trên 8.500 dân quân tự vệ cùng các phương tiện xuống những địa bàn bị ảnh hưởng bởi ngập lụt, giúp dân sơ tán, xử lý sự cố đê và tìm kiếm cứu nạn.
Chính quyền địa phương cũng đẩy mạnh phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ. Tại những nơi nước nước đã rút, các tổ chức đoàn thể, dân quân tự vệ giúp nhân dân tu sửa nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh, tiêu độc khử trùng, khắc phục sự cố đê điều, thủy lợi, giao thông...