Tham gia các điều ước quốc tế tạo điều kiện thúc đẩy hội nhập kinh tế

Theo chương trình dự kiến, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội sẽ xem xét, phê chuẩn: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV chiều 20/5. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Việc Quốc hội xem xét, phê chuẩn các điều ước quốc tế này là phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong quá trình hội nhập quốc tế về kinh tế, lao động và xã hội, nhận được sự quan tâm của cử tri và các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, nơi được coi là một trong những trọng tâm phát triển, đầu tàu kinh tế của cả nước, có những đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia trong lĩnh vực xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.

Phê chuẩn Hiệp định EVFTA, EVIPA đánh dấu bước tiến quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tạo tiền đề, cơ hội lớn cho gia tăng các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam; đồng thời, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu; xây dựng môi trường pháp lý, đầu tư minh bạch, qua đó thu hút các nhà đầu tư đến từ Liên minh châu Âu (EU) và thế giới.
         
Theo Tiến sỹ Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, EVFTA là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, được ký kết giữa EU và Việt Nam với tư cách là một nước đang phát triển. Đây là điều khá đặc biệt, vì trước đó, EU chỉ ký với Singapore và Hàn Quốc. Việc thông qua Hiệp định này, trước mắt sẽ tạo thêm luồng thương mại vào Việt Nam. Bên cạnh đó, việc thực hiện EVFTA, đặc biệt là các cam kết cắt giảm thuế quan sẽ giúp Việt Nam tham gia vào một thị trường có nhiều mặt hàng bổ sung cho trong nước, mang lại giá trị gia tăng lớn hơn cho Việt Nam đối với các thị trường khác.

“Tuy nhiên, đi liền với cơ hội xuất khẩu, còn có những thách thức, như vấn đề liên quan đến thuế xuất - nhập khẩu, hoặc từ những điều kiện ngặt nghèo đi kèm theo Hiệp định có thể dẫn đến tình trạng mở cho họ vào nhưng ta lại không vào được thị trường của họ”, ông Lê Xuân Sang nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, Tiến sỹ Lê Xuân Sang cho rằng, EVFTA có lợi ích tích cực giúp Việt Nam thâm nhập thị trường mua sắm của chính phủ, giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng trong đấu thầu nước ngoài. EVFTA đặc biệt giúp Việt Nam hoàn thiện khung pháp lý khi đấu thầu nước ngoài, đảm bảo công khai, minh bạch, có kèm trách nhiệm giải trình, từ đó giúp hiệu quả đấu thầu ở Việt Nam cao hơn, mời gọi được các nhà đầu tư chuyên nghiệp hơn.

Thực hiện EVFTA sẽ khiến Việt Nam gặp thách thức, nhưng cũng là cơ hội để cải thiện đời sống người lao động, bởi những điều kiện ngặt nghèo đi kèm của EVFTA liên quan đến điều kiện về môi trường làm việc, giới, lứa tuổi…. Một vài yêu cầu khác nữa như yêu cầu thành lập tổ chức công đoàn độc lập ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ khiến Việt Nam phải nghiên cứu, xem xét để giám sát phù hợp, đảm bảo cam kết nhưng không để xảy ra bất lợi về chính trị, xã hội.

Riêng về Hiệp định EVIPA, Việt Nam sẽ phải ký lần lượt với 27 thành viên EU nên sẽ mất rất nhiều thời gian. Singapore đã phải mất 3 năm mới ký xong Hiệp định Bảo hộ đầu tư với châu Âu. Khi ký xong EVIPA, luồng đầu tư mới thực sự khơi thông - ông Lê Xuân Sang thừa nhận.

Rất quan tâm đến tiến trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn các Hiệp định EVFTA, EVIPA, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh Trần Việt Anh cho rằng, thông tin Nghị viện châu Âu (EC) thông qua EVFTA đã được doanh nghiệp, nhất là các nhà xuất khẩu Việt Nam chào mừng. Bởi, EVFTA sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam giải quyết được những hạn chế liên quan đến thuế suất khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường châu Âu- một thị trường truyền thống, thân thiện của Việt Nam.

“Khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ có lợi thế hơn khi xuất hàng vào châu Âu. Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, nhất là doanh nghiệp có sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu dùng châu Âu mà chưa xuất khẩu, nay sẽ mạnh dạn xuất khẩu, giúp tăng tỉ trọng xuất khẩu. Người dân, khách hàng châu Âu sẽ có cơ hội thụ hưởng nhiều sản phẩm mới của Việt Nam”- ông Trần Việt Nam nhấn mạnh.

Trong khi đó, việc Quốc hội xem xét, phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức là sự khẳng định quyết tâm thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong các Hiệp định thương mại và thực hiện nghĩa vụ là quốc gia thành viên ILO của Việt Nam. Việc gia nhập Công ước số 105 không chỉ khẳng định quan điểm nhất quán về đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta, mà còn góp phần đảm bảo thực thi quy định của Nhà nước trong việc xóa bỏ lao động cưỡng bức, đảm bảo quyền con người, quyền công dân.

Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế - quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc gia nhập Công ước số 105 là rất cần thiết, có ý nghĩa về chính trị, kinh tế - xã hội và pháp lý.

Về kinh tế - xã hội, gia nhập và thực hiện Công ước sẽ góp phần ngăn chặn, xóa bỏ các hành vi cưỡng bức lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, giúp cho môi trường lao động ổn định, hài hòa, các sản phẩm của Việt Nam thuận lợi hơn trong tiếp cận thị trường quốc tế; nền kinh tế phát triển bền vững và bảo đảm công bằng xã hội tốt hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa. Về pháp lý, việc phê chuẩn gia nhập Công ước 105 sẽ góp phần củng cố, hoàn thiện hệ thống pháp lý, bảo đảm xóa bỏ lao động cưỡng bức tại Việt Nam.

Theo ông Trương Hồng Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, ở một góc độ nào đó, hình thức lao động cưỡng bức không có tại Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng; hay cụ thể hơn là người sử dụng lao động không vi phạm luật pháp của Việt Nam đối với người lao động.  Điều này được thể hiện rõ tại các trường hợp tăng ca đều được trả lương, thưởng theo quy định chung của doanh nghiệp.

Ông Trương Hồng Sơn cho rằng, tham gia Công ước 105 loại bỏ lao động cưỡng bức sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và người lao động. Trong đó, hàng hóa được bảo vệ cạnh tranh lành mạnh tạo thuận lợi cho tiến trình triển khai các Hiệp định thương mại tự do. Người lao động được làm việc trong môi trường lao động an toàn, có thêm hành lang pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng theo luật pháp Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế. Chính vì vậy, việc Quốc hội xem xét thông qua việc gia nhập Công ước 105 của ILO là rất cần thiết, phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước.

Xuân Khu- Xuân Anh- Thanh Vũ (TTXVN)
Bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV
Bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội sáng 20/5/2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN