Tập trung ứng phó, khắc phục kịp thời bão số 3 và mưa lũ

Từ ngày 13 - 21/7, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên vịnh Bắc Bộ và hoàn lưu bão số 3, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã xảy ra mưa lớn diện rộng, kéo dài, lũ, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Thiệt hại lớn về người và tài sản

Theo báo cáo của các tỉnh, tính đến 7 giờ ngày 24/7 có 34 người chết và mất tích, 26 người bị thương, cụ thể: 27 người chết tăng 5 người so với ngày 22/7, do đã tìm được thi thể của 5 người mất tích (Yên Bái 13, Sơn La 6, Lào Cai 1, Phú Thọ 3, Hòa Bình 1, Thanh Hóa 3); 7 người bị mất tích (Yên Bái 4, Phú Thọ 1, Thanh Hóa 2); 26 người bị thương (Yên Bái: 18, Sơn La 1, Phú Thọ 3, Thanh Hóa 3, Nghệ An 1); 243 nhà bị sập (Sơn La 17, Yên Bái 166, Phú Thọ 20, Hòa Bình 3; Quảng Ninh 2, Thanh Hóa 10, Nghệ An 24, Hà Tĩnh 1); 6.949 nhà bị ngập (Sơn La 209, Lào Cai 55, Phú Thọ 5.171, Hòa Bình 114; Quảng Ninh 185, Thanh Hóa 1.055, Nghệ An 160); 5.191 nhà bị hư hỏng và di dời khẩn cấp (Sơn La 202, Yên Bái 984, Lào Cai 4, Phú Thọ 3.483, Hòa Bình 207, Quảng Ninh 232, Nghệ An 79); 121.389 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 6.208 ha diện tích thủy sản bị ảnh hưởng (Sơn La 12 ha, Yên Bái 355 ha, Lào Cai 12 ha, Phú Thọ 863 ha, Hòa Bình 6 ha, Thanh Hóa 1.669 ha; Nghệ An 3.291 ha).

Chú thích ảnh
Hàng trăm ngôi nhà bị ngập chìm trong nước tại huyện Tam Nông do ảnh hưởng bão số 3. Ảnh Tạ Toàn/TTXVN

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Giao thông Vận tải và các tỉnh cho biết, tính đến 16 giờ ngày 23/7, còn một số điểm vẫn còn ách tắc như: Tỉnh Thanh Hóa, Quốc lộ QL217B bị ngập sâu 0,5 m, tắc đường cục bộ; Quốc lộ QL16 còn 9 điểm sạt lở gây tắc đường.

Tại Nghệ An, Quốc lộ QL48E vị trí Km92+850 bị ngập 0,3 m; Quốc lộ QL15 vị trí Km239+600 bị ngập 0,4 m; Quốc lộ QL16 còn 2 điểm sạt lở gây ách tắc giao thông. Hiện nay, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ khác đã cơ bản thông xe.

Báo cáo của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương, tính đến 19 giờ ngày 23/7, nhiều diện tích lúa và hoa màu vẫn bị ngập. Cụ thể, Khu vực các tỉnh đồng bằng sông Hồng có 42.606 ha lúa bị ngập úng (Hà Nội 700 ha, Hải Phòng 4.419 ha, Hải Dương 6.815 ha, Hà Nam 430 ha, Nam Định 22.152 ha, Thái Bình 2.500 ha, Ninh Bình 5.290 ha, Quảng Ninh 300 ha); 2.294 ha ngô và hoa màu bị ngập, úng. Khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ có 33.660 ha lúa bị ngập úng (Thanh Hóa 13.357 ha, Nghệ An 13.135 ha, Hà Tĩnh 7.167 ha); 11.555 ha ngô và hoa màu bị ngập úng. Khu vực miền núi phía Bắc có 4.787 ha lúa bị ngập, úng (Lào Cai 342 ha, Yên Bái 800 ha, Phú Thọ 1.706 ha, Hòa Bình 1.940 ha); 1.545 ha hoa màu bị thiệt hại....

Theo tổng hợp từ các địa phương, hệ thống đê điều đã xảy ra 45 sự cố (tăng 6 sự cố so với ngày 23/7 do phát sinh tại các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên và Ninh Bình). Cụ thể, Ninh Bình xuất hiện 4 sự cố vỡ đê bao Hoa Tiên, đê bao sông Bôi đoạn qua xã Gia Hưng, với chiều dài 150 m; thẩm lậu đê hữu Đáy tại K5+300 (nước rò trong); sụt lún bể xả, nền nhà máy trạm bơm Kiến Phong, xã Gia Tường và trạm bơm Lạc Sơn, xã Lạc Vân thuộc tuyến đê Đức Long; thẩm lậu mái đê với chiều dài 300m và rò mang cống thuộc tuyến đê bao Bốn Hốt, xã Lạc Vân. Hiện địa phương đã lập phương án xử lý sự cố giờ đầu và đang triển khai xử lý đoạn đê bao bị vỡ.

Tỉnh Hưng Yên xuất hiện 1 sự cố tại khu vực trạm bơm Liên Nghĩa, xuất hiện hai vị trí rò nước tại chân mái đê hạ lưu và khu vực tiếp giáp bể xả của cống xả qua đê tại K83+842 đê tả Hồng. Hiên nay, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã dừng vận hành trạm bơm.

Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã kiểm tra thực tế và có văn bản số 849/PCTT-QLĐĐ ngày 23/7 đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên xây dựng, phê duyệt và triển khai phương án bảo vệ đảm bảo an toàn đê điều phù hợp với các tình huống có thể xảy ra.

Tại Hà Nội, xuất hiện sự cố sạt mái đê và mất ổn định tường chắn đất tại dốc lên đê hạ lưu đê tả Hồng, xã Đông Dư, huyện Gia Lâm; hiện địa phương đang tiếp tục theo dõi. Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã kiểm tra thực tế và có văn bản số 850/PCTT-QLĐĐ ngày 23/7 đề nghị UBND thành phố Hà Nội khẩn trương xử lý đảm bảo an toàn chống lũ cho hệ thống đê điều và hoàn thành xong trước ngày 25/7, phê duyệt và triển khai phương án bảo vệ đảm bảo an toàn đê điều phù hợp với các tình huống có thể xảy ra.

Các tỉnh Phú Thọ, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa và Nghệ An không phát sinh sự cố mới về đê điều; địa phương đã lập phương án xử lý sự cố giờ đầu và tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến, tổ chức tuần tra canh gác, bảo vệ đê điều theo quy định. Riêng tại tỉnh Phú Thọ, nước sông Bứa đang rút nhanh, nhân dân đã bắt đầu trở về nhà dọn dẹp, khắc phục hậu quả, ổn định đời sống.

Quyết liệt chỉ đạo, ứng phó kịp thời

Ông Nguyễn Đức Quang, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Do có sự chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp, vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương nên đã giảm thiểu được nhiều thiệt hại và hiện đang từng bước khắc phục hậu quả bão lũ, ổn định đời sống nhân dân.

Đánh giá về đợt bão lũ lần này, ông Nguyễn Đức Quang cho rằng, việc dự báo, cảnh báo về đường đi, cường độ, thời gian của bão số 3 và mưa lớn sau bão cơ bản phù hợp với thực tế. Tuy nhiên các bản tin cảnh báo về thiên tai cần định lượng cụ thể hơn về lượng mưa để phục vụ tốt hơn cho công tác chỉ đạo điều hành.

Công tác dự báo cung cấp thông tin phục vụ tính toán hồ chứa đã có cố gắng,nhưng một số nhận định xu thế trong thời hạn ngắn còn gặp khó khăn, dự báo lưu lượng về hồ chứa có thời điểm còn chênh lệch khá lớn so với thực tế.

Đối với công tác chỉ đạo, vận hành hồ chứa, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo, tích cực tham khảo nhận định của các đài quốc tế và khu vực, thực tế diễn biến tình hình mưa lũ và ngập úng ở hạ du, đưa ra các quyết định vận hành hồ chứa một cách linh hoạt, bám sát quy trình để cắt lũ, giảm thiểu thiệt hại cho hạ du, đặc biệt là tạo thuận lợi cho việc tiêu nước chống úng và đảm bảo hiệu quả phát điện.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng tổ chức diễn tập xả lũ hồ chứa, truyền hình trực tiếp và có các công điện chỉ đạo cụ thể. Trên cơ sở đó, các địa phương đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nên hạn chế được thiệt hại, đặc biệt là các tỉnh hạ du thủy điện Hòa Bình như: Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội.

Tuy nhiên vẫn còn một số địa phương chưa thực sự quan tâm, thậm chí còn tư tưởng chủ quan như ở khu vực hạ du thủy điện Tuyên Quang nên không thực hiện di dời lồng bè nuôi trồng thủy sản. Mặt khác việc tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn người dân nuôi trồng các loại thủy sản phù hợp với điều kiện có tính đến đến tác động của xả lũ còn hạn chế, như ngay sau thủy điện Hòa Bình vẫn còn hộ dân nuôi cá tầm, loại thủy sản có giá kinh tế cao nhưng dễ thiệt hại khi chịu tác động dòng chảy do xả lũ.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng tổ chức các Đoàn công tác trực tiếp xuống địa phương để kiểm tra, chỉ đạo triển khai phương án đảm bảo an toàn đê điều ứng phó với lũ bão, đặc biệt là tại các trọng điểm xung yếu, các vị trí đã từng xảy ra sự cố và công trình đê điều đang thi công.

Các địa phương đã quan tâm chú trọng đến công tác tuần tra canh gác, bảo vệ đê điều theo quy định, phát hiện và xử lý giờ đầu có hiệu quả các sự cố xảy ra. Các địa phương đã chủ động tiêu nước chống úng, huy động toàn bộ các trạm bơm, vận hành các cống tiêu nước, ưu tiên cung cấp điện cho các trạm bơm nhưng do ảnh hưởng của thủy triều và ngập úng diện rộng nên việc tiêu thoát còn chậm.

Rút kinh nghiệm đợt ứng phó với lũ quét những năm gần đây và đặc biệt là đợt rút kinh nghiệm công tác 6 tháng đầu năm 2018 vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm và Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ quyết liệt nhiều giải pháp để ứng phó giảm thiểu thiệt hại.

Một số bài học kinh nghiệm được triển khai có hiệu quả như: Công tác tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức của người dân để nâng hiểu biết về nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất nơi mình sinh sống và các kỹ năng phòng chống giảm thiểu thiệt hại.

Cùng với đó, việc tổ chức, củng cố và chỉ đạo hoạt động của các tổ chức xung kích phòng chống thiên tai tại cấp xã đến thôn bản với dân quân tự vệ làm nòng cốt đã triển khai đồng bộ các hoạt động như tuyên truyền, phổ biến, thông tin về tình hình thiên tai đến người dân, tổ chức kiểm tra rà soát nơi ở an toàn, đảm bảo kịp thời các sự cố do mưa lũ báo đến người dân và kịp thời có các biện pháp ứng phó, tham gia khi có tình huống mưa lũ.

Tổ chức, cảnh báo, canh gác, hướng dẫn tại các ngầm tràn, các nơi bị cô lập, chia cắt để hướng dẫn, hỗ trợ người dân đảm bảo an toàn. Tuyên truyền, quán triệt người dân không thực hiện các hoạt động mưu sinh trong mùa lũ như đánh cá, vớt củi… nên đã hạn chế được những thiệt hại như đã được xảy ra trong các mùa mưa lũ trước đây.

Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, đôn đốc các địa phương thực hiện các Công điện chỉ đạo của Trung ương, sẵn sàng các phương án ứng phó; đôn đốc các địa phương tổng hợp thiệt hại và khắc phục hậu quả; phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin cảnh báo và hướng dẫn người dân ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, sạt lở đất.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, bố trí nơi ở cho các hộ dân bị mất nhà cửa; cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo không để người dân bị đói, rét, xử lý vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu, ổn định đời sống nhân dân; Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất để chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó; kiểm soát chặt chẽ giao thông qua khu vực ngầm tràn, đò ngang, đò dọc, đường còn bị ngập sâu; thực hiện thông báo số 357 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ngày 23/7 về việc ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực Bắc Bộ.

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường bơm tiêu úng để hạn chế thiệt hại diện tích lúa, hoa màu, sẵn sàng kế hoạch phục hồi, tổ chức lại sản xuất phù hợp đối với diện tích bị mất trắng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam ưu tiên đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho các trạm bơm tiêu úng.

Kiểm tra, rà soát và triển khai phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ chứa thủy lợi, thủy điện, nhất là các hồ chứa nhỏ xung yếu, đã tích đầy nước. Khẩn trương khắc phục sự cố đê điều, trạm bơm tiêu. Các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân vùng thiên tai.

Thắng Trung (TTXVN)
Cột điện gẫy đổ, nhiều nơi vẫn mất điện do mưa lũ
Cột điện gẫy đổ, nhiều nơi vẫn mất điện do mưa lũ

Mưa lớn sau bão số 3 đã khiến nhiều tỉnh thành miền Bắc ngập lụt nặng, thiệt hại không nhỏ đến lưới điện và ảnh hưởng đến người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN