Đó là chỉ đạo của Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn tại cuộc họp sáng 3/8 về triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả sau bão số 2 và mưa lớn.
Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia tiếp tục cung cấp những bản tin dự báo, cảnh báo, đặc biệt là cảnh bảo về lượng mưa, địa điểm mưa lớn, tình hình mưa cục bộ phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo và truyền thông.
Các tỉnh, thành phố chú ý công tác an toàn hồ đập (hồ thủy điện, thủy lợi), đặc biệt lưu ý việc tích nước tại hồ Hòa Bình; trường hợp cần thiết tham mưu, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc tích nước phục vụ sản xuất, phát điện.
Theo Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai) Nguyễn Đức Quang, qua kiểm tra, các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa và Nghệ An đều đã thực hiện tốt công tác ứng phó với bão cũng như các biện pháp khắc phục hậu quả sau bão và mưa lớn.
Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Văn phòng Chính phủ Đào Công Tuynh cho biết, công tác dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia về áp thấp nhiệt đới, bão số 2, mưa lớn được thực hiện tương đối chính xác, kịp thời, sát thực tế.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sau bão số 2, tiếp tục tồn tại một rãnh áp thấp có trục đi qua khu vực Bắc Bộ, rãnh áp thấp này sẽ còn tồn tại dài ngày, duy trì mưa vừa, mưa to trên diện rộng ở các tỉnh Bắc Bộ từ nay đến ngày 8/8. Trọng tâm mưa là khu vực trung du và vùng núi phía Bắc với lượng mưa phổ biến từ 200 - 400mm, có nơi trên 500mm. Mưa to sẽ khiến nguy cơ lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi và trung du Bắc Bộ tăng cao trong những ngày tới.
Do đó, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cần phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia theo dõi sát diễn biến mưa lớn diện rộng tại Bắc Bộ, cần thiết tham mưu Ban hành Công điện chỉ đạo ứng phó với mưa lũ diện rộng.
Ngoài ra, theo cảnh báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mưa lớn diện rộng nhiều khả năng gây lũ quét, sạt lở đất... Các địa phương chịu ảnh hưởng tại các khu vực trên chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản, giảm thiểu thiệt hại.
Đại diện Tổng cục Thủy lợi cho hay, trước tình hình mưa lớn trên diện rộng, Tổng cục đã chỉ đạo các địa phương chủ động các biện pháp tiêu úng, đồng thời đã cử các đoàn đi kiểm tra tình hình hồ chứa thủy lợi.
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh và Bình Định, bão số 2 và mưa lớn đã làm 2 người chết (ông Đỗ Văn Mạnh, sinh năm 1979, do kè đổ vào lán trại ở công trường tại phường Bãi Cháy, Hạ Long, Quảng Ninh; 1 người chết do đi qua ngầm tràn bị lũ cuốn trôi tại tỉnh Hòa Bình), một nhà bị sập mái (Quảng Ninh); 2.421 ha lúa và 21 ha hoa màu bị ngập úng (Hà Tĩnh) đến nay nước đã rút hết, không ảnh hưởng đến thu hoạch.
Mưa lớn ngày 2/8 cũng làm một người bị thương, ngã đổ 10 cây xanh và sạt lở một bờ taluy đất tại tỉnh Lâm Đồng. Tại tỉnh Cà Mau, mưa kèm dông lốc ngày 2/8 đã làm ba nhà sập và 13 nhà tốc mái.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ 8 giờ 30 phút đến 14 giờ 30 phút ngày 3/8, các tỉnh khu vực Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-50mm, có nơi trên 80mm. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Phú Thọ, Bắc Kạn, Thái Nguyên. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.