Tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries (MHI) của Nhật Bản ngày 2/10 cho biết họ đang có kế hoạch mở rộng hoạt động sang các thị trường đóng tàu mới nổi là Ấn Độ, Việt Nam và Braxin.
Tập đoàn MHI hướng tới thị trường đóng tàu Việt Nam. Nguồn: Internet |
Theo kế hoạch mới được công bố, MHI sẽ mua lại công ty con của hãng đóng tàu hàng đầu Ấn Độ Larsen & Toubro (L&T), và đến năm 2015, tỷ lệ đầu tư của MHI vào công ty này sẽ đạt mức trên 51%. Nếu thương vụ này thành công, đây sẽ là lần đầu tiên tại Ấn Độ có một nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực đóng tàu.
Đối tượng mà MHI đang nhắm tới là L&T Ship Buijdings, hiện đang đứng thứ 8 trong lĩnh vực đóng tàu thuyền tại Ấn Độ. Công ty này cũng đang sở hữu hai cơ sở sản xuất lớn tại các tỉnh miền Nam và miền Tây nước này. Theo đánh giá của MHI, với nhịp độ tăng trưởng kinh tế liên tục, nhu cầu của Ấn Độ về việc vận chuyển các nguồn tài nguyên như than đá, dầu khí sẽ tăng mạnh kéo theo nhu cầu lớn đối với các loại tàu vận chuyển. Tháng 12/2011, MHI đã cùng L&T Ship Buildings ký hợp đồng cung cấp kỹ thuật, đồng ý tiếp nhận tu nghiệp sinh của L&T Ship Buildings và cử chuyên gia của MHI tới công ty này để hỗ trợ sản xuất.
MHI cho biết sẽ dành 350 tỷ yên (khoảng 4,4 tỷ USD) cho hoạt động mua lại các công ty đối tác nước ngoài trong năm 2014, tăng hơn 3 lần so với mức 110 tỷ yên của năm 2011. Ngoài thị trường Ấn Độ, Việt Nam và Braxin cũng là các thị trường mà MHI hướng tới, song kế hoạch chi tiết chưa được tập đoàn này tiết lộ.
Việc MHI đẩy mạnh việc mua lại các công ty đóng tàu nước ngoài được cho nhằm nâng cao sức cạnh tranh về giá thành trong bối cảnh các cơ sở chế tạo trong nước của tập đoàn này phải đối phó với việc đồng yên tăng giá. Nếu hoạt động mua lại diễn ra suôn sẻ, MHI sẽ tạo được sức ép cạnh tranh với các hãng đóng tàu Hàn Quốc và Trung Quốc.
Đến năm 1999, MHI chiếm vị trí hàng đầu thế giới trong lĩnh vực đóng tàu. Tuy vậy, đến năm 2000, tập đoàn này đã bị Hàn Quốc vượt qua, và tới năm 2009, Trung Quốc tiếp tục vượt qua MHI, đẩy tập đoàn này lùi xuống vị trí thứ 3. Thị phần thế giới năm 2011 của MHI 19%, trong khi của Hàn Quốc là 35% và Trung Quốc là 39%.
T. Giang (P/v TTXVN tại Tôkyô)