Thổi hồn văn hóa dân tộc vào từng sản phẩm
Trong tham luận trình bày tại Đại hội, chị Lý Thị Quyên, Giám đốc Hợp tác xã Thiên An (Bắc Kạn) khẳng định việc phụ nữ ứng dụng văn hóa dân tộc vào từng sản phẩm đem lại hiệu quả rất lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo chị, người Dao có truyền thống sử dụng cây thuốc để chữa bệnh với các bài thuốc được truyền từ đời này qua đời khác rất hiệu quả. Cùng với đó, văn hóa thổ cẩm của người Dao là sự kết tinh của đôi bàn tay khéo léo, mỗi họa tiết thổ cẩm đều thể hiện ý chí kiên cường, sự hòa nhập vào thiên nhiên, là ước mơ cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Tuy nhiên, trước nguy cơ văn hóa truyền thống đang dần bị mai một, chị Quyên nhận thấy mình cần phải có trách nhiệm gìn giữ, phát huy văn hóa đặc trưng của dân tộc thông qua các sản phẩm tiêu dùng. Với tất cả sự đam mê và mục tiêu phát huy thế mạnh của dân tộc mình là dược liệu và thổ cẩm, chị đã thành lập Hợp tác xã với 12 thành viên và 500 triệu đồng vốn điều lệ.
Với nguồn nguyên liệu chính là các loại thảo dược hái từ núi rừng theo kinh nghiệm gia truyền của người Dao tại địa phương, được sấy khô và trộn theo tỷ lệ nhất định, Hợp tác xã Thiên An tập trung sản xuất cây dược liệu thành các sản phẩm hàng hóa như thuốc tắm cho người lớn, trẻ em và phụ nữ sau sinh; thuốc xoa bóp, cao gắm, giúp cải thiện sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, Hợp tác xã cho ra đời nhiều sản phẩm khẩu trang, gối bằng thổ cẩm đẹp mắt. Những mẫu thiết kế thổ cẩm của Thiên An là sự kết hợp giữa yếu tố dân tộc và hiện đại như ga, gối thổ cẩm dược liệu, khăn trải bàn, váy áo dân tộc... tạo nên nét đẹp độc đáo và sự khác biệt, có tính cạnh tranh cao.
Sau một thời gian tìm tòi, sáng tạo, Hợp tác xã đã hoàn thiện được quy trình sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn. Các sản phẩm đều được đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu rõ ràng, được cấp mã QRCode truy xuất nguồn gốc và ứng dụng BlockChain để kiểm định chất lượng tất cả các khâu một cách hiện đại, đem lại sự tin tưởng cao cho khách hàng. Với sự nỗ lực cố gắng của toàn thể thành viên, đến thời điểm hiện tại Hợp tác xã Thiên An có 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.
Với mục tiêu phát triển sản phẩm trên cả nước bằng nhiều kênh quảng bá khác nhau, phù hợp với xu thế hiện đại, Hợp tác xã Thiên An đã thực hiện chuyển đổi số để quảng bá, tiếp thị, bán các sản phẩm của địa phương trên môi trường mạng nên ngày càng thu hút được sự quan tâm của khách hàng. Chị Quyên cho hay, hiện Hợp tác xã đang tạo việc làm cho 50 lao động đều là nữ và là người dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn xã với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
“Chúng tôi mong muốn sớm được tiếp cận các chương trình mục tiêu quốc gia đặc biệt là Dự án Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, từ đó phát huy đặc sắc văn hóa dân tộc vào từng sản phẩm”,chị Quyên chia sẻ.
Kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn
Đại biểu Phạm Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên khẳng định, khởi sự kinh doanh là một trong những giải pháp từng bước giúp phụ nữ tự tin phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, tạo việc làm bền vững, nâng vai trò, vị thế của phụ nữ, của tổ chức Hội. Từ thực tế đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã mạnh dạn đưa ra nhiều giải pháp đột phá trong hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, trong đó việc kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn là yếu tố rất quan trọng.
Nhận thức được điều đó, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã chủ động xây dựng Đề án thực hiện khâu đột phá “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tăng giàu, giảm nghèo, gắn với xây dựng nông thôn mới” trình Tỉnh ủy phê duyệt, trong đó gồm các tiểu đề án “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh doanh và khởi nghiệp”, “Hỗ trợ phụ nữ tiêu thụ sản phẩm thông qua mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn”...
Xác định, khởi nghiệp đòi hỏi phải đổi mới, sáng tạo, có tính đột phá nhằm tạo ra sản phẩm mới cung cấp cho thị trường, chị Phạm Thị Thu Thủy cho biết, Hội Phụ nữ tỉnh đã hỗ trợ nâng cao kiến thức cho hội viên trước khi hỗ trợ nguồn lực về vật chất để khởi nghiệp; đa dạng hình thức tuyên truyền, mở rộng đối tượng tác động, tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các sinh hoạt chi hội, tổ phụ nữ, trang Facebook, Zalo của Hội...
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng đã phát động phong trào thi đua “Phụ nữ Thái Nguyên sản xuất, kinh doanh giỏi”; “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” để triển khai trong các cấp Hội, từ đó xây dựng các gương điển hình trong phát triển kinh tế để tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện, làm động lực khơi dậy tiềm năng và sức sáng tạo của chị em tham gia phát triển kinh tế.
Đặc biệt, Hội tổ chức các lớp tập huấn về “Khởi sự thông minh cho phụ nữ”; tổ chức hội nghị, hội thảo về phát triển doanh nghiệp; giao lưu tìm hiểu kiến thức về khởi nghiệp và phát triển kinh doanh; tổ chức các hoạt động marketing, kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông sản cho hội viên phụ nữ... Trong nhiệm kỳ, đã có hơn 3.500 chị đạt danh hiệu “Phụ nữ Thái Nguyên sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp cơ sở.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên đã phát động “Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo” để huy động nguồn lực hỗ trợ và tạo cơ hội cho hội viên phụ nữ nghèo, phụ nữ khởi nghiệp tại các địa phương phát triển kinh tế, nguồn vốn được cho vay bằng 2 hình thức (vay bằng bò, bằng tiền). Hoạt động của Quỹ có ý nghĩa thiết thực, tạo cơ hội cho hội viên phụ nữ nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống.
Các cấp Hội tập trung hỗ trợ, thúc đẩy phụ nữ phát huy nội lực, khai thác nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ mở rộng về quy mô và chú trọng về chất lượng, hiệu quả. Tính đến ngày 31/12/2021 đã có hơn 72 nghìn hộ gia đình có phụ nữ được tiếp cận nguồn vốn hơn 3.000 tỷ đồng từ các ngân hàng, các chương trình, dự án…
Để tiếp tục hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kết nối tiêu thụ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên cho rằng, cần tăng cường đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ thực hiện khởi nghiệp; hỗ trợ phụ nữ tham gia các hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện khởi nghiệp, kết nối tiêu thụ và sản xuất sản phẩm an toàn; giới thiệu, kết nối để tìm đầu ra ổn định cho các doanh nghiệp, mô hình kinh tế của phụ nữ…