Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết, ngày 29/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Địa chất và khoáng sản số 54/2024/QH15, thay thế Luật Khoáng sản năm 2010. Có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2025, riêng các chính sách đối với khai thác khoáng sản nhóm IV có hiệu lực ngay từ ngày 15/1/2025, Luật Địa chất và Khoáng sản có những thay đổi lớn về chính sách, tạo hành lang pháp lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản; đồng thời vẫn bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật; khắc phục tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Khoáng sản cũ; góp phần nâng cao hiệu lực quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết sâu rộng về các quy định của Luật Địa chất và Khoáng sản 2024. Thông qua việc phổ biến, tuyên truyền, trao đổi tại hội thảo, các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, đối tượng có liên quan đang hoạt động trong lĩnh vực này có thể nắm bắt kịp thời và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về địa chất, khoáng sản vừa được ban hành.
Theo ông Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hải Phòng, để Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 được triển khai thi hành ngay sau khi có hiệu lực, việc xây dựng, ban hành đồng bộ các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật là hết sức cần thiết; trong đó có công tác tuyên truyền pháp luật đối với các quy định của Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024, các quy định của Nghị định số 11/2025/NĐ-CP ngày 15/1/2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Địa chất và khoáng sản 2024, lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 và dự thảo Thông tư hướng dẫn các quy định về khoáng sản nhóm IV. Đồng thời, tạo điều kiện cho các đại biểu nắm bắt được quy định pháp luật mới thuộc lĩnh vực địa chất và khoáng sản; đồng thời trao đổi, đề xuất tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong thực thi pháp luật về Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về địa chất khoáng sản trên địa bàn.
Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Diệu Thúy/TTXVN
Phổ biến một số nội dung của Nghị định số 11/2025/NĐ-CP ngày 15/1/2025 của Chính phủ về khai thác khoáng sản nhóm IV (nhóm khoáng sản chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp, đắp nền móng công trình, xây dựng công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai), ông Mai Thế Toản, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết, thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản nhóm IV theo quy định tại Nghị định này tối đa không quá 10 năm, bao gồm thời gian xây dựng cơ bản, thời gian khai thác được xác định theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản. Thời hạn của giấy phép khai thác có thể được gia hạn nhiều lần theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 5 năm.
Tại hội thảo, đại biểu tham dự cũng đề xuất giải pháp giải quyết những vấn đề phát sinh thực tiễn tại địa phương trong thời gian vừa qua để hoàn thiện hơn nữa các quy định trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 và các văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành trong thời gian tới.