Tại hội nghị, các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến về quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai; quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức trong nước sử dụng đất; quyền và nghĩa vụ của cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phát triển quỹ đất; các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai…
Theo Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bắc Ninh Dương Thị Thanh Huyền, tại khoản 4, Điều 150 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định, việc xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải được tổ chức thực hiện trước thời điểm quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất, điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất không quá 6 tháng. Tuy nhiên, quy định này đang còn một số bất cập nhất định bởi hiện nay, giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất có thể là giá thị trường thông qua đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất hoặc có thể là giá cụ thể và cả hai loại giá này, đặc biệt là giá đất cụ thể mặc dù do Nhà nước ban hành đều có khả năng biến động rất cao trong thời gian ngắn dưới sự tác động của các yếu tố cung - cầu trên thị trường.
Bà Dương Thị Thanh Huyền đề nghị, sửa đổi quy định vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo hướng bỏ quy định về thời điểm xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong khoảng thời gian không quá 6 tháng, thời điểm xác định giá đất là tại thời điểm quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất, điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất.
Góp ý vào dự thảo Luật, ông Vũ Đình Phúc, Phó Chủ tịch HĐND huyện Lương Tài cho rằng, hiện nay diện tích đất trồng cây lâu năm và đất ao liền với diện tích đất thổ cư của ông cha để lại được thể hiện chung trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do vậy, đề nghị Nhà nước tạo điều kiện chuyển thành đất thổ cư cho hộ gia đình, để các hộ gia đình tặng cho các con tách hộ làm nhà ở riêng.
Đối với đất nông nghiệp nên giữ quy định cấp hộ gia đình vì đất nông nghiệp các hộ đang sử dụng canh tác có liên quan đến các định xuất của các thành viên trong hộ được giao theo định xuất từ năm 1993. Vì vậy, cần giữ nguyên quy định cấp hộ gia đình đối với đất nông nghiệp để đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ cho các thành viên trong hộ gia đình đó.
Còn đối với đất ở nên bỏ đối tượng là hộ gia đình khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vì hiện nay xác định các thành viên trong hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến việc thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất mà trên giấy chứng nhận chỉ ghi tên của chủ hộ gia đình. Tuy nhiên, khi bỏ nội dung này cần có quy định lại về hạn mức giao đất cho các nhân cần được tăng thêm để đảm bảo quyền lợi cho cá nhân khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không theo hộ gia đình.
Chia sẻ thực tiễn ở địa phương trong việc thực hiện Luật Đất đai, Phó Chủ tịch HĐND xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành Đỗ Văn Dũng cho biết, hiện nay nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân vẫn cho rằng chỉ có thu hồi đất phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng, điện, đường, trường, trạm mới thuộc các dự án do Nhà nước thu hồi để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng, còn lại là phải thỏa thuận với dân để thu hồi đất. Vì thế, khi triển khai thu hồi đất để thực hiện các dự án gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các dự án dân cư nông thôn.
Ông Đỗ Văn Dũng đề nghị, khi triển khai thực hiện các dự án thu hồi đất cần khảo sát kỹ về mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết phải thu hồi đất. Dự án thu hồi đất để làm gì, phải làm như thế nào, lợi ích của dự án, như vậy mới tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất, nhất là đất nông nghiệp.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Hằng ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu để gửi đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quá trình xây dựng, lấy ý kiến đối với dự thảo Luật.
Các ý kiến đóng góp của các đại biểu đã khẳng định quan điểm khi xây dựng pháp luật về đất đai là xác định đất đai vừa là tài sản, vừa là tài nguyên đặc biệt quan trọng để chúng ta đề ra những quy định vừa bảo vệ, quản lý giữ gìn tài sản bền vững, vừa tạo cơ chế để khai thác, phát huy hiệu quả trên cơ sở cân bằng lợi ích giữa các chủ thể có liên quan. Cùng với đó, các đại biểu cũng nhất trí cao việc cần mở rộng phạm vi lấy ý kiến của nhân dân trong quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư để phù hợp quá trình thực tiễn.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh nhất trí với các đại biểu cần đề cao yêu cầu bảo vệ lợi ích của người dân; tăng cường tính công khai, minh bạch và hiệu quả trong quản lý đất đai và thị trường bất động sản.