Tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng là đề xuất một phía từ Bộ Tài chính

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trương Minh Hoàng, đây chỉ là đề xuất từ một phía từ Bộ Tài chính và khi mới chỉ là đề xuất thì chắc chắn còn nhiều bước phải thực hiện trước khi có thể trình Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trương Minh Hoàng.

Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường lên 8.000 đồng/lít  đối với xăng trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường. Điều này gây lo ngại giá xăng sẽ tăng, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người tiêu dùng cũng như  sản xuất,… Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?  

Đây mới chỉ là đề xuất của Bộ Tài chính. Theo quy định của pháp luật, để có thể trình Quốc hội, cần phải có thẩm định của Bộ Tư pháp, lộ trình thống nhất của Chính phủ và Ủy ban Tài chính Ngân sách. Các ủy ban chuyên trách của Quốc hội cũng sẽ có ý kiến về vấn đề này. Sau đó, nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua thì mới trình Quốc hội.

Nhưng với cá nhân tôi, nếu vấn đề này được đưa ra thì đề nghị phải làm kỹ phần ý kiến đánh giá tác động của xã hội, khi đưa ra chủ trương thì tác động như thế nào. Tôi thường xuyên gặp gỡ người dân, gia đình mình cũng thường xuyên tiêu thụ xăng dầu. Việc đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc tăng giá xăng, từ đó kéo theo ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày. 

Cụ thể, việc đánh giá tác động cần thực hiện như thế nào, dựa trên những mặt nào, thưa ông?

Một là, nếu đây là thuế bảo bệ môi trường thì mục đích là gì khi đưa ra đề xuất này. Nếu vừa nhằm đảm bảo chi phí cho bảo vệ môi trường vừa có ý nghĩa là để giảm mật độ hoạt động của phương tiện cá nhân,... thì còn nhiều giải pháp khác và phải được tiến hành đồng bộ, có lộ trình. Ví dụ muốn giảm lượng xe cá nhân cũng như xe công vụ thì cần cải thiện cơ sở vật chất cho tốt. Đường sắt hoạt động hiệu quả hơn cũng có thể để giảm lưu ô tô, xe máy, giảm thải khí ra môi trường. Thế giới, có nước đã có đường riêng dành cho xe đạp, thậm chí có nhiều xe điện, hoặc dành khu bến bãi riêng trong nội ô dành cho các phương tiện.

Ở góc độ khác, như các chuyên gia kinh tế nhận định, việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng để bù hụt thu ngân sách khi thực hiện các cam kết hội nhập; thì đây là phương án thu nhanh nhất tiền mặt, bán xăng là có ngay. Nhưng chỉ để bù hụt thu ngân sách thì còn nhiều cách khác, tiết kiệm chi các thứ khác. Chẳng hạn, tinh giảm biên chế đẩy mạnh hơn, tính toán kỹ sử dụng tài sản công. Tính toán thế nào đầu tư có hiệu quả, tiết kiệm thật sự cho đầu tư công như đầu tư công trình trụ sở, phương tiện hoạt động vẫn hoạt động được thì nên tận dụng, trừ trường hợp không thể sử dụng được. Nghĩa là, còn rất nhiều cách để tiết kiệm, tăng thêm ngân sách, giảm bội chi.

Mà thực tế, nếu tăng thuế như thế này chắc chắn tác động trực tiếp đến người tiêu dùng, xăng tăng hàng loạt giá dịch vụ hàng hóa sẽ tăng lên. Hàng hóa tăng lên thì người tiêu dùng giảm mua, sẽ kéo theo sự trì trệ của sản xuất. Tôi vừa rồi đi thăm các bếp ăn của công nhân, có bếp ăn họ chỉ 11000 đồng/suất, có bếp ăn 16.000-24.000 đồng/suất. Nhưng người công nhân phải tự lực về phương tiện, xăng dầu... nếu như tăng giá xăng thì chắc chắn tăng đến túi tiền của người lao.
Do đó, theo tôi, muốn tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng thì phải báo cáo cho kỹ tác động về giá tăng và nếu có tăng thì phải có lộ trình. Tôi tin chắc có đưa ra Quốc hội thì Quốc hội cũng sẽ yêu cầu lộ trình

Theo thống kê Bộ Tài chính, thuế bảo vệ môi trường với xăng tăng liên tục những năm qua nhưng chi phí dành cho bảo vệ môi trường thấp. Việc tăng thuế bảo vệ môi trường thì đầu tư cho bảo vệ môi trường liệu có tăng theo?

Điều này thì tôi cũng rất lo và đương nhiên khi Bộ Tài chính đề xuất như vậy phải nêu rõ nếu như tăng thuế bảo vệ môi trường thì đầu tư trực tiếp cho vấn đề môi trường sẽ là bao nhiêu, tỷ lệ bao nhiêu % và hiệu quả có tốt hơn hay không.

Tăng thuế có cải thiện được vấn đề môi trường hay không? Bởi thực tế, vấn đề bảo vệ môi trường nhìn chung còn chưa đạt. Thành ra khi nói tăng phí bảo vệ môi trường thì đương nhiên khách quan người ta sẽ nhìn nhận do thiếu hụt cái khác thì tăng chứ không phải là do môi trường. 

Theo số liệu từ Bộ Tài chính giai đoạn 2012-2016, tổng thu thuế bảo vệ môi trường đạt 11.160 tỷ đồng vào năm 2012 (chiếm 1,48% tổng thu ngân sách nhà nước); tăng mạnh lên 27.020 tỷ đồng năm 2015 (chiếm 2,7% tổng thu ngân sách), và ước đạt 42.393 tỷ đồng năm 2016 (chiếm 4,08% tổng thu ngân sách). Dù đạt được số thu lớn nhưng số chi cho bảo vệ môi trường vẫn thấp hơn số thu, thậm chí chỉ bằng 1/4 số thu.


Xuân Phong-Thu Trang
Người dân “nơm nớp” lo giá xăng tăng
Người dân “nơm nớp” lo giá xăng tăng

Không ít người lo ngại, giá xăng dầu sẽ bị ảnh hưởng nếu khung thuế bảo vệ môi trường (BVTM) được điều chỉnh lên tối đa 8.000 đồng/lít với xăng và 4.000 đồng/lít, kg với các loại dầu, cao hơn nhiều so với hiện tại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN