Cũng do mưa lũ, đến nay tỉnh Bình Định đã có 16 nhà bị sập, 18 nhà hư hỏng, 6.979 nhà bị ngập nước; 496 ha lúa bị ngập, hư hỏng; 123 ha hoa màu hư hỏng; 7 tấn lương thực bị ngập nước; 167 con gia súc, 7.000 con gia cầm bị cuốn trôi; 65m bờ sông bị sạt lở, 40m kè bị hư hỏng, 5.500m kênh mương bị sạt lở hư hỏng; 1 cầu bị hư hỏng, 33 điểm giao thông bị ách tắc, 4km đường giao thông bị sạt lở hư hỏng.
Đập tràn cầu 13 nối thị trấn Tuy Phước đến xã Phước Thuận đã bị nước lũ làm ngập, người dân phải tăng bo xe tải. Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN |
Đến nay, tuy nước đã hạ dần, nhưng tại một số nơi trong tỉnh vẫn còn ngập như: xã Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Sơn huyện Tuy Phước; các xã Mỹ Chánh, Mỹ Thành, Mỹ Thọ huyện Phù Mỹ; các xã Cát Chánh, Cát Tiến huyện Phù Cát. Đường ĐT 640 còn bị ngập một số đoạn. Các địa phương đang tiếp tục rà soát, tổng hợp tình hình thiệt hại trên địa bàn.
Để chủ động ứng phó với đợt mưa lũ mới, Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ban hành công điện số 11/CĐ-PCTT lúc 17 giờ, ngày 6/12/2016 yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo ứng phó với đợt mưa lũ. Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ tại Bình Định.
Lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp kiểm tra tình hình mưa lũ, chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các cấp tập trung triển khai ứng phó với mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng nhân dân, an toàn hồ chứa, chống ngập úng cho cây trồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo điều tiết hồ chứa nước theo quy trình vận hành liên hồ, điều chỉnh lịch gieo sạ vụ Đông Xuân. Ủy ban nhân dân các địa phương triển khai các biện pháp phòng chống mưa lũ, chống ngập úng cho lúa Đông Xuân mới gieo sạ.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ và các địa phương đang tiếp tục triển khai các hoạt động cứu trợ người dân vùng lũ.