Đây là đề nghị chính thức của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh trong phiên họp cho ý kiến về dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 19/1.Sinh viên có thể thực hiện nghĩa vụ quân sự khi học xongTheo đề xuất của Ủy ban Quốc phòng an ninh, cơ quan thẩm tra dự án luật này, thì không quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên, học viên đang học chương trình đào tạo đại học chính quy để đảm bảo mọi công dân đều bình đẳng khi thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại phiên họp sáng 19/1 lại tán thành với việc nên tạm hoãn gọi nhập với đối tượng này như quy định của Luật hiện hành.
Sinh viên các trường đại học chính quy sẽ được tạm hoãn gọi nhập ngũ. Ảnh: Viết Dương-TTXVN |
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, với sinh viên đang học đại học chính quy thì không gọi tham gia nghĩa vụ quân sự. Bởi hiện tại, tỷ lệ sinh viên nhập ngũ rất thấp. “Nếu nói là để sinh viên nhập ngũ sẽ tăng chất lượng, để họ sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại, chuyên nghiệp thì không phải. Vì để sử dụng những trang bị kỹ thuật hiện đại thì phải được đào tạo chuyên nghiệp”, đại biểu Nguyễn Kim Khoa nói.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi, sau khi sinh viên tốt nghiệp đại học chúng ta vẫn có thể gọi tham gia nghĩa vụ quân sự . Với sinh viên học cao học thì không nên gọi nghĩa vụ quân sự vì ảnh hưởng đến quá trình đào tạo, lãng phí tiền của.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng đã chính thức đề nghị Quốc hội xem xét việc tạm hoãn nghĩa vụ quân sự đối với sinh viên đại học chính quy. Theo Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, hiện nay, hàng năm số người trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự của toàn quốc có khoảng 700.000-800.000 người, nhưng mỗi năm quân đội chỉ tuyển khoảng 100.000 người. Vì vậy, để gọi được hết thanh niên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự là rất khó.
“Quy định như vậy sẽ tạo tâm lý thấp thỏm, không biết lúc nào sẽ gọi nhập ngũ, từ đó tạo kẽ hở dẫn đến xẩy ra tiêu cực trong việc tuyển quân ở cơ sở. Khi sinh viên đã hoàn thành thời gian đào tạo đại học, quân đội có nhu cầu thì sẽ thực hiện nghĩa vụ quân sự”, Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thông qua việc tham gia chương trình huấn luyện quân sự tập trung 3 tháng và tự đảm bảo chi phí thì sẽ được công nhận là hoàn thành nghĩa vụ quân sự cũng khó có khả năng thực hiện được. Bởi toàn quốc hiện có 32 trung tâm giáo dục quốc phòng an ninh, chỉ đảm bảo 375.000 người được huấn luyện một năm.
“Chúng ta không có cơ sở vật chất nào, trung tâm nào đủ để có thể huấn luyện cho hàng triệu sinh viên tại các trung tâm giáo dục quốc phòng. Hơn nữa, việc huấn luyện để thay thế nghĩa vụ quân sự sẽ khó đảm bảo sự công bằng vì ai có tiền thì đi học, ai không có tiền thì đi bộ đội”, Bộ trưởng khẳng định.
Tạm hoãn trả nợ cho sinh viênTheo các đại biểu, việc thực hiện quy định về quyền lợi của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ và thân nhân là rất cần thiết. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, họ cần được tạo điều kiện thuận lợi về việc làm cũng như học tập.
Theo Chủ nhiệm Văn Phòng quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, với đối tượng phổ thông, khi hết thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự phải được tạo điều kiện để học nghề. Đặc biệt, việc học nghề phải gắn với việc làm để làm sao sua khi đào tạo nghề sẽ tìm được việc làm để có cuộc sống ổn định.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển, với những người đang có việc làm mà thực hiện nghĩa vụ quân sự thì khi hết nghĩa vũ đương nhiên được nhận làm việc lại, nếu chưa có việc làm thì cần phải được ưu tiên.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển, sinh viên đang vay vốn ngân hàng để học tập mà thực hiện nghĩa vụ quân sự thì được tạm hoãn trả nợ. “Việc hoãn trả nợ cũng cần mở rộng với đối tượng là nông dân đang vay vốn để sản xuất nhưng lại đi thực hiện nghĩa vụ quan sự, bởi họ lao động chính trong gia đình, nhất là khi vốn vay là của các ngân hàng như Ngân hàng chính sách xã hội”, đại biểu Hiển nói.
Theo Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước, Luật cũng cần tính đến trường hợp những cơ quan đã giải thể hoặc sáp nhập với cơ quan khác thì sau khi giải ngũ, người lao động sẽ được giải quyết việc làm như thế nào. “Với doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa, bị giải thể, thì ai chịu trách nhiệm giải quyết việc làm cho họ”, đại biểu Ksor Phước nêu vấn đề.
Phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp từ ngày 19-21/1. Phiên họp thứ 34, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), dự án Luật Thú y (sửa đổi); dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương, dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), dự án Luật an toàn, vệ sinh lao động; cho y kiến về việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật bảo đảm thi hành Luật tổ chức Quốc hội. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến một số vấn đề về công tác nhân sự. |
Xuân Phong